Hoàng thành Thăng Long Hà Nội là quần thể di tích gắn với các giai đoạn lịch sử của dân tộc và là địa điểm tham quan hấp dẫn khi sở hữu nhiều công trình kiến trúc cổ xưa, đa dạng hoạt động ý nghĩa.
Trải qua bao thăng trầm, biến đổi, Hoàng thành Thăng Long ngày nay là quần thể di tích đáng tự hào của dân tộc khi chứa đựng giá trị lịch sử to lớn. Di tích sở hữu các công trình kiến trúc đồ sộ, quy mô và nhiều hoạt động hấp dẫn, giúp mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm ý nghĩa trong chuyến du lịch Hà Nội.
Những lưu ý khi tham quan khu di tích Hoàng Thành Thăng Long
Thời điểm du lịch lý tưởng: Bạn có thể đi du lịch Thủ đô và đến di tích Hoàng thành vào mọi thời điểm trong năm nhưng lý tưởng nhất là vào mùa xuân và mùa thu Hà Nội khi tiết trời mát mẻ, trong lành và dễ chịu.
Tuân thủ quy định của khu di tích.
Thực hiện tham quan theo sơ đồ hướng dẫn
Không được phép sử dụng flycam
Nên ăn mặc gọn gàng, lịch sự, giữ vệ sinh, không gây ồn ào, mất trật tự
Tránh viết, vẽ lên tường, gốc cây, không bẻ cành, hái quả
Không mang chất dễ cháy nổ, vũ khí, chất độc hại và chất có mùi vào khu di tích…
Kết hợp tham quan các địa điểm vui chơi ở trung tâm Hà Nội: Bạn nên kết hợp tham quan các địa điểm nổi tiếng gần di tích Hoàng thành Thăng Long để tiết kiệm thời gian và có nhiều trải nghiệm. Một số điểm đến gợi ý mà bạn có thể tham khảo như: Viếng Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh, Nhà Hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Văn Miếu Quốc Tử Giám, phố cổ Hà Nội, Hồ Hoàn Kiếm…
Vị trí Hoàng thành Thăng Long ở đâu? Hướng dẫn đường đi
Địa chỉ Hoàng thành Thăng Long: Số 19C Hoàng Diệu, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội
Giờ mở cửa: Từ 8h00 – 17h00, hàng ngày
Hoàng thành Thăng Long tọa lạc giữa trung tâm Thủ đô với điều kiện giao thông thuận lợi giúp du khách dễ dàng ghé thăm. Xuất phát từ hồ Hoàn Kiếm, du khách có thể đến khu di tích bằng xe máy, xe đạp hoặc ô tô theo hướng Tràng Thi, rẽ vào đường Điện Biên Phủ và vào đường Hoàng Diệu để đến được cổng chính Hoàng thành Thăng Long ở số 19C. Ngoài ra, du khách có thể đi xe buýt tuyến số 22 để đến khu di tích.
Giới thiệu về Hoàng thành Thăng Long Hà Nội
Kiến trúc và lịch sử hình thành Hoàng thành Thăng Long
Hoàng thành Thăng Long có tiến trình lịch sử kéo dài trong suốt 13 thế kỷ và trải qua các vương triều phong kiến, từ thời Lý, Trần, Lê, Mạc đến thời Nguyễn và giai đoạn chống Pháp:
Triều đại nhà Lý (thế kỷ 11 – 12): Vua Lý Thái Tổ sau khi dời đô từ Hoa Lư đã cho xây dựng Kinh Thành Thăng Long với 3 vòng thành:
Đại La thành: vòng ngoài cùng bao bọc kinh đô
Hoàng thành/Long thành: nơi làm việc của nhà vua và triều đình
Tử cấm thành: vòng thành trong cùng, nơi ở của vua và hậu cung
Triều đại nhà Trần (thế kỷ 13 – 14): Các vua Trần đã cho xây dựng thêm nhiều công trình và sửa sang lại khu vực Hoàng thành, Hoàng cung.
Thời Lê sơ (thế kỷ 15): Quy mô Hoàng thành dưới thời Lê sơ đã được mở rộng gấp đôi.
Thời nhà Mạc (thế kỷ 16): Vua nhà Mạc cho gia cố cửa thành, sửa sang đường phố và đắp thêm 3 lần lũy đất ngoài thành Đại la. Những thành lũy này đã bị quân chúa Trịnh phá hủy ngay khi chiếm đóng.
Thời Lê trung hưng (thế kỷ 17-18): Trên dấu tích thành Đại La, chúa Trịnh Doanh cho đắp lại thành mới và đặt tên là thành Đại Đô.
Thời Tây Sơn (thế kỷ 18): Vua Quang Trung chọn đóng đô tại Phú Xuân (Huế), nhưng vẫn cho tiến hành tu sửa, đắp lại những đoạn Hoàng thành sụp đổ cũng như xây thêm một số công trình.
Thời nhà Nguyễn (thế kỷ 19-20): Kinh thành Thăng Long dưới thời nhà Nguyễn trở thành sở trấn Bắc Thành.
Thời chống Pháp: Sau khi chiếm đóng Hà Nội, quân Pháp đã cho thay đổi kiến trúc Hoàng thành Thăng Long và xây thêm các doanh trại phục vụ mục đích quân sự.
Năm 1954: Thành Hà Nội đã trở thành trụ sở của Bộ Quốc phòng.
Năm 2002: Di tích Hoàng thành được tiến hành khai quật trên diện tích 19.000m2, phát lộ nhiều dấu vết, tầng văn hóa và di tích lịch sử giá trị.
Năm 2010: Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới.
Ý nghĩa của Hoàng thành Thăng Long
Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long và di tích khảo cổ ở số 18 Hoàng Diệu là quần thể di sản, văn hóa tiêu biểu, phản ánh tiến trình lịch sử của nước Việt trong suốt 13 thế kỷ (từ thế kỷ 11 – thế kỷ 18). Trải qua nhiều biến động, Kinh đô Thăng Long xưa kia đã không còn những tòa thành đồ sộ hay lầu son gác tía nhưng những di tích, dấu vết còn sót lại đã chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa to lớn. Tất cả là minh chứng cho lịch sử dựng nước, giữ nước của một nước Việt độc lập qua bao thời kỳ.
Du lịch Hoàng thành Thăng Long có gì thú vị?
Khám phá các công trình độc đáo ở khu di tích Hoàng thành Thăng Long
Khu di tích Hoàng thành Thăng Long ngày nay bao gồm nhiều công trình kiến trúc độc đáo. Mỗi công trình đều khoác lên mình vẻ đẹp cổ kính, oai nghiêm cùng những câu chuyện lịch sử lâu đời:
Cột cờ Hà Nội: Đây là công trình hoành tráng và vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc tại di tích Hoàng thành, nằm trên đường Điện Biên Phủ. Công trình được xây dựng vào năm 1812 dưới thời vua Gia Long với một thân cột và 3 tầng đế hình chóp vuông cụt có thang gạch dẫn lên.
Cửa Bắc: Cửa Bắc hay Chính Bắc Môn là cổng thành duy nhất còn sót lại của thành Hà Nội xưa kia. Công trình nằm trên phố Phan Đình Phùng, được nhà Nguyễn cho xây dựng vào năm 1805 theo lối vọng lâu. Phần lầu trên cổng thành được phục dựng làm nơi thờ 2 vị anh hùng Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu.
Điện Kính Thiên: Trước đây, Điện Kính Thiên là nơi thiết triều và diễn ra các nghi lễ long trọng của triều đình. Di tích hiện chỉ còn khu nền cũ với thềm đá, lan can và đôi rồng được điêu khắc tinh xảo.
Đoan Môn: Di tích là cửa vòm cuốn dẫn vào điện Kính thiên với 5 cổng được xây dựng bằng đá và gạch vồ
Trải nghiệm tour “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” siêu hấp dẫn
“Giải mã Hoàng thành Thăng Long” là tour đêm thu hút đông đảo du khách. Tour tham quan kéo dài 90 phút với lộ trình từ cửa Đoan Môn đến khu khảo cổ. Thời gian khởi hành tour từ 18h00, 18h30 và 19h00 vào thứ 7, Chủ Nhật hàng tuần. Trong hành trình tham quan, du khách sẽ được chiêm ngưỡng không gian cung đình kỳ ảo dưới ánh đèn lồng và tìm hiểu về triều đại xưa qua những kiến trúc, cổ vật quý và thưởng thức điệu múa hoàng cung…
Check in khu di tích khảo cổ Hoàng thành Thăng Long
Đến quần thể di tích Hoàng thành, du khách sẽ được chiêm ngưỡng nhiều hiện vật xưa cũ, tham quan giếng cổ và check in khu khảo cổ ở số 18 đường Hoàng Diệu. Nơi đây được chia thành 4 khu vực chính với các tầng di tích được bảo toàn xuyên suốt qua các thời kỳ. Di tích Hoàng thành còn là địa điểm chụp ảnh đẹp ở Hà Nội và được nhiều người lựa chọn thực hiện những bộ ảnh ấn tượng cùng cổ phục, áo dài.
Tham dự các buổi triển lãm
Khu trung tâm di tích Hoàng thành thường xuyên diễn ra nhiều sự kiện, triển lãm lịch sử, nghệ thuật và khảo cổ. Đây là cơ hội giúp du khách tìm thấy nhiều kiến thức giá trị và có những trải nghiệm thú vị. Do đó, Hoàng thành Thăng Long là một trong những địa điểm đi chơi Hà Nội cho sinh viên vô cùng bổ ích.