Sự tích hồ gươm hay còn gọi là hồ Hoàn Kiếm ngày nay : Vào thời giặc Minh xâm lược nước ta, đi đến đâu chúng cũng tàn sát người dân vô tội, cướp bóc của cải của nhân dân. Cuộc sống của người dân vô cùng cực khổ, và lầm than. Thấy cuộc sống của trăm dân như vậy một số người có lòng yêu nước đã tụ họp lại với nhau cùng bàn bạc làm một cuộc khởi nghĩa để chống lại sự tàn ác và bạo ngược của quân giặc. Trong đó có nghĩa quân ở vùng Lam Sơn.
Tuy nhiên, nghĩa quân cũng chỉ toàn là những người nông dân áo vải, binh khí thì thô sơ mà chưa thu hút được nhiều người nên chưa có đủ sức mạnh để chiến đấu chống lại quân giặc. Rất nhiều lần nghĩa quân đã đứng lên khởi nghĩa nhưng lần nào cũng bị binh tướng nhà Minh đánh cho bại trận. Đức Long Quân nhìn thấy tấm lòng chiến đấu quả cảm và tinh thần yêu nước của nghĩa quân, liền quyết định cho nghĩa quân mượn thanh gươm thần để tăng thêm sức mạnh và sĩ khí chiến đấu cho họ.
Hồi ấy ở Thanh Hóa, có một người đi đánh cá dưới sông, khi kéo lên thấy lưới rất nặng. Anh ta nghĩ thầm trong bụng: “Phen này chắc là được nhiều cá lắm đây!“. Tuy nhiên khi lưới được kéo lên thì không có một con cá nào mà chỉ là một lưỡi gươm cũ. Anh ta liền vứt lưỡi gươm trở lại sông, lần thứ hai chàng kéo lưới, lưỡi gươm ấy lại vướng vào. Lần này anh quăng lưỡi gươm đi xa hơn nữa.
Đến lần thứ ba kéo lưới vẫn là lưỡi gươm đó mắc vào. Thấy lạ, anh liền cầm lưỡi gươm cũ lên và mang về để trong góc nhà. Người đó tên là Lê Thận – một nông dân quê ở Thanh Hóa, có lòng yêu nước nồng nàn, từ lâu đã có ý muốn gia nhập cùng nghĩa quân Lam Sơn.
Lực lượng của nghĩa quân Lam Sơn lúc bấy giờ đã ngày càng đông, muốn chiêu binh thêm những người tài giỏi và có lòng yêu nước tham gia. Lê Thận có sức khỏe cùng với lòng yêu nước mong đánh đuổi giặc ngoại xâm từ lâu nên đã gia nhập nghĩa quân. Anh tham gia những trận chiến quan trọng và góp nhiều công sức trong các trận thắng lớn, được Lê Lợi vô cùng tin tưởng.
Một lần Lê Lợi đưa quân qua vùng Thanh Hóa đã vào nhà Lê Thận để nghỉ ngơi. Vừa vào tới nhà, Lê Lợi và các tướng lĩnh thấy lưỡi gươm cũ vứt ở xó nhà của Lê Thận phát ra ánh hào quang sáng chói. Mọi người tiến lại cầm lên xem thì thấy trên lưỡi gươm có khắc hai chữ “thuận thiên”. Tất cả vô cùng ngạc nhiên nhưng cũng không nghĩ đó là báu vật, chỉ cho đó là lưỡi gươm bình thường mà thôi.
Thời gian sau, nghĩa quân tổ chức rất nhiều trận đánh trả quân Minh. Trong một đánh không may nghĩa quân bại trận, Lê Lợi bị quân giặc đuổi theo vào trong rừng sâu. Khi đang chạy trốn, ông nhìn thấy có một vật sáng chói trên cành cây. Lấy làm tò mò, Lê Lợi liền trèo lên cành cây thì thấy một cái chuôi gươm nạm ngọc sáng lấp lánh. Lại nhớ tới hôm ở nhà Lê Thận có lưỡi gươm phát sáng Lê Lợi liền cầm chuôi gươm về.
Vài hôm sau, gặp Lê Thận, Lê Lợi kể lại chuyện nhặt được chuôi gươm phát sáng và bảo Lê Thận cho mượn lưỡi gươm cũ. Không ngờ sau khi cho lưỡi gươm vào trong chuôi gươm thì lại vừa in như một cặp, lưỡi gươm trở lên sáng chói và sắc nhọn vô cùng.
Lê Thận và mọi người ở đó đều quỳ rạp dưới chân Lê Lợi mà rằng: “Có lẽ đây là gươm báu trời ban, giúp nghĩa quân đánh giặc xâm lược. Nay xin chủ tướng cầm gươm báu để lãnh đạo nghĩa quân đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi nước ta, để cho muôn dân được hưởng cuộc sống yên bình”.
Lê Lợi nhận thanh gươm từ tay Lê Thận, hứa sẽ dốc hết lòng lãnh đạo nghĩa quân thuận theo ý trời.
Kể từ đó, nghĩa quân đánh đâu thắng đó, trăm trận trăm thắng. Dần dần lực lượng quân Minh bị suy yếu, nghĩa quân không còn phải trốn ở trong rừng nữa, mà chuyển sang đối đầu trực diện. Kho lương thực cũng ngày càng đầy đủ do chiếm được của quân giặc càng giúp cho quân lính cóthêm khí thế chiến đấu hơn trước.
Chẳng bao lâu sau, dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi và nhờ gươm thần mà nghĩa quân đã đánh bại quân Minh. Giặc sợ hãi bỏ tháo chạy về phương Bắc, muôn dân lại được thái bình.
Sau khi đánh đuổi hết giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi vua để trị vì và thống nhất đất nước.
Một năm sau, khi nhà vua cùng các bề tôi thân tín ngồi thuyền đi dạo trên hồ Tả Vọng trước kinh thành. Đức Long Quân sai rùa vàng lên để lấy lại thanh gươm thần.
Khi thuyền ra tới giữa hồ thì bất ngờ từ dưới làn nước trong xanh, có một con rùa vàng ngoi đầu lên, cất tiếng:
– Thưa nhà vua, lúc trước Đức Long Quân có cho nhà vua mượn thanh gươm thần để đánh giặc. Nay nghiệp lớn đã hoàn thành, xin nhà vua hãy trả lại gươm thần!
Lê Lợi nghe xong, liền cởi thanh gươm bên mình ra, cầm hai tay và dâng lên trước mặt rùa vàng. Thanh gươm bất ngờ bay khỏi tay nhà vua sang miệng rùa vàng. Rùa vàng ngậm lấy gươm, lặn xuống hồ biến mất.
Từ đó, hồ Tả Vọng được đặt tên là Hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm ngày nay. Hồ Hoàn Kiếm là điểm du lịch lý tưởng và cũng là một trong những biểu tượng của thủ đô Hà Nội