Thế vận hội Paris 2024 đánh dấu cột mốc 100 năm kể từ khi nước Pháp đăng cai sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. Paris, thành phố ánh sáng, một lần nữa trở thành tâm điểm của thế giới thể thao. Olympic Paris 2024 là lần thứ 33 Thế vận hội mùa hè được tổ chức, diễn ra từ 26/7 đến 11/8/2024, trong đó có những môn thi từ 24/7. Sẽ có 10.714 vận động viên đại diện cho 206 đoàn tranh tài ở 32 môn thi, với 329 nội dung. Việt Nam có 16 vận động viên tham dự, tranh tài ở 19 nội dung. Lễ khai mạc sẽ diễn ra trên sông Seine, quy tụ 3.500 diễn viên, vũ công và ca sĩ. Sẽ có 160 chiếc tàu thủy, trong đó 94 chiếc chở theo 10.500 vận động viên, diễu hành dọc theo 6km đường sông. Những người biểu diễn cùng các thành viên đoàn sẽ ở trên những chiếc thuyền còn lại, còn khán giả được bố trí ngồi hai bên bờ sông. Ban tổ chức phát hành 326.000 vé xem lễ khai mạc cho những chỗ ngồi hai bên bờ sông Seine, trong đó 104.000 vé tính phí. Chương trình cũng bố trí 80 màn hình lớn để khán giả tiện theo dõi từ những vị trí khác.
Cùng Gotolink điểm qua sự những thú vị Thế vận hội năm nay.
Ngọn đuốc Olympic: Hành trình xuyên Nước Pháp
Cứ mỗi bốn năm, ngọn đuốc Olympic lịch sử sẽ được thắp sáng tại Olympia, Hy Lạp – nơi ra đời của Thế vận hội – và được trao cho một đội ở Athens để bắt đầu hành trình đến với đất nước đăng cai. Năm nay, ngọn đuốc Olympic sẽ mang ý nghĩa tôn vinh những người đã làm nên lịch sử nước Pháp, đồng thời ca ngợi di sản thiên nhiên, vẻ đẹp thể thao và tinh thần sáng tạo của người Pháp.
Được biết, ngọn đuốc Olympic Paris 2024 được thắp sáng vào ngày 16/04 tại Đền Hera ở Olympia, Hy Lạp, nơi khai sinh ra Thế vận hội cổ đại. Ngọn đuốc đã đến Marseille, Pháp vào ngày 08/05. Lễ rước đuốc sẽ có khoảng 10.000 người tham gia, bao gồm những cá nhân nổi tiếng như huyền thoại bóng đá Didier Drogba, Seok Jin – thành viên của nhóm nhạc K-pop đình đám BTS – với vai trò là người chạy kết nối, anh mang theo ngọn đuốc từ đại lộ Rivoli đến kim tự tháp Louvre và chuyền lại cho cựu vận động viên trượt tuyết người Pháp Sandra Laoura.
Ngọn đuốc sau đó đi qua các tỉnh ở phía nam và phía tây nước Pháp trước khi vượt biển đến các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp trên toàn thế giới rồi quay trở lại Nice vào ngày 18 tháng 6 và tiếp tục đi qua các tỉnh khác của vùng Île-de-France cùng các vùng còn lại ở phía đông và miền trung nước Pháp. Ngọn đuốc sẽ đi qua khoảng 60 địa điểm trước lễ khai mạc. Vào ngày 14 tháng 7, ngọn đuốc Thế vận hội đến Paris và đến đích cuối cùng là vào ngày 26 tháng 7 để bắt đầu Lễ Khai mạc.
Lễ Khai mạc trên sông Seine
Lần đầu tiên trong lịch sử Thế vận hội Mùa hè, lễ khai mạc sẽ không được tổ chức trong một sân vận động. Thay vào đó, Paris sẽ mở màn lễ hội bằng một cuộc diễu hành thuyền trên sông Seine vào ngày 26 tháng 7. Trên đoạn đường dài 5,6 km qua trung tâm Paris, 10.500 vận động viên, huấn luyện viên, lãnh đạo và nhân viên sẽ di chuyển từ cầu Austerlitz, gần Jardin des Plantes, đến cầu Léna trước tháp Eiffel tại Trocadéro.
Vì an ninh là ưu tiên hàng đầu nên Pháp đã có phương án B để tổ chức lễ khai mạc riêng tại quảng trường Trocadéro (nơi dự kiến diễn ra diễu hành thuyền) và phương án C là tổ chức tại sân vận động lớn nhất nước Pháp Stade de France.
CA SĨ CELINE DION SẼ DIỄN KHAI MẠC OLYMPIC 2024
Theo nguồn tin của TMZ, ca sĩ đến Paris để chuẩn bị cho tiết mục vào ngày 26/7 (giờ địa phương). Theo trang này, Dion sẽ được trả hai triệu USD để hát một ca khúc trong sự kiện. Bên cạnh đó, trong cuộc phỏng vấn với Vogue France hồi tháng 4, ca sĩ tiết lộ có thể đến Pháp trong thời gian tới, đồng thời nỗ lực rèn luyện sức khỏe. “Tôi đã làm việc bằng cả cơ thể và tâm hồn, với sự chăm sóc của đội ngũ y tế. Tôi muốn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Mục tiêu của tôi là được nhìn thấy tháp Eiffel một lần nữa”, nghệ sĩ nói.
Dion là gương mặt quen thuộc tại Thế vận hội. Năm 1996, cô khai mạc Olympic Atlanta (Mỹ) với bài hát The Power of the Dream. Buổi lễ có hơn 3,5 tỷ người xem trực tiếp lễ khai mạc khắp thế giới. Gần đây, nghệ sĩ lồng tiếng cho video giới thiệu các vận động viên Olympic của Canada có tên L’invincible courage, cùng diễn viên Michael J. Fox.
100 năm Olympic trở lại nước Pháp
Năm 2024 đánh dấu 100 năm kể từ khi nước Pháp đăng cai một sự kiện Olympic kép lịch sử. Vào năm 1924, làng Alpine Chamonix đăng cai Thế vận hội Mùa đông đầu tiên, và vài tháng sau, Thế vận hội Mùa hè diễn ra tại Paris. Lần đầu tiên Thế vận hội được tổ chức tại đây là vào năm 1900, trùng với Hội chợ Thế giới năm đó. Sau Chamonix 1924, Thế vận hội Mùa đông được tổ chức lại ở Pháp vào năm 1968 tại Grenoble và năm 1992 tại Albertville. Tháng 7 này sẽ là lần thứ ba Thế vận hội Mùa hè trở lại Paris.
Breakdance là môn thi đấu mới
Sau thành công vang dội với tư cách là môn biểu diễn tại Thế vận hội Thanh niên ở Buenos Aires năm 2018, Ủy ban Olympic đã chính thức đưa breakdance trở thành môn thi tranh huy chương tại Thế vận hội Paris.
Sử dụng các địa điểm nổi tiếng để làm nơi thi đấu và Thế vận hội được tổ chức trên khắp nước Pháp
Thay vì xây dựng các công trình mới, hầu hết các sự kiện Olympic sẽ diễn ra tại những khu vực biểu tượng của thành phố. Phần lớn trong số 32 môn thi Olympic và 22 môn thi Paralympic sẽ được tổ chức trong phạm vi 10 km tính từ Làng Olympic ở vùng ngoại ô phía bắc Saint Denis. Chẳng hạn như môn bóng chuyền bãi biển sẽ được tiến hành dưới bóng tháp Eiffel trên sân Champ de Mars; hay các vận động viên chạy marathon sẽ xuất phát từ trước Tòa thị chính (Hôtel de Ville) v.v…
Mặc dù thủ đô nước Pháp sẽ là tâm điểm của Thế vận hội nhưng các cuộc thi sẽ được tổ chức trên khắp cả nước. Mục tiêu của quốc gia chủ nhà là giới thiệu di sản phong phú và đa dạng về đất nước Pháp. Một trong những môn thể thao phổ biến nhất của Pháp là bóng đá sẽ được tổ chức tại các sân vận động khắp các vùng Bordeaux, Nantes, Lyon, Saint-Etienne, Nice và Marseille. Marseille cũng sẽ tổ chức các sự kiện đua thuyền ở Biển Địa Trung Hải. Trong khi đó ở Lille sẽ tổ chức các môn thể thao đồng đội như bóng rổ và bóng ném.
Môn Lướt sóng Olympic sẽ được tổ chức tại vùng lãnh thổ hải ngoại
Lướt sóng đã quay trở lại Olympic Paris 2024 và sẽ được tổ chức tại vùng hải ngoại của Pháp là bãi biển Teahupo’o – một trong các nơi có những con sóng ấn tượng nhất thế giới.
Thiết kế poster Olympic và Paralympic kết hợp thành một tác phẩm liên tục
Họa sĩ người Pháp Ugo Gattoni đã được giao nhiệm vụ thiết kế poster. Phong cách kỳ ảo và siêu thực đặc trưng của ông sẽ minh họa cho tinh thần đa dạng và sôi động của sự kiện. Với chủ đề “Thế vận hội rộng mở”, Gattoni đã tạo ra một cặp thiết kế poster kết hợp nhau giữa Olympic và Paralympic.
Linh vật Olympic là Mũ Phrygian
Sự tự do và giải phóng chính là trọng tâm trong bản sắc tinh thần nước Pháp, nên Paris đã đưa ra một lựa chọn độc đáo: một chiếc Mũ Phrygian được nhân cách hóa.
Du khách có thể gặp gỡ vận động viên tại Champion Park
Champion Park sẽ mang đến cho người dân địa phương và du khách có cơ hội gặp gỡ các vận động viên Olympic, đồng thời chứng kiến các màn trình diễn nghệ thuật độc đáo vào mỗi buổi tối bắt đầu từ 5:30 chiều. Vé vào cửa sẽ hoàn toàn miễn phí.
Xem thêm lịch thi đấu và các chương trình liên quan tới Olympic 2024 tại đây
Biên tập: Kim Thúy
Tham khảo: My French Country Home