Mỗi mùa trong năm, mảnh đất đại ngàn Tây Bắc đều khoác lên mình một vẻ đẹp rất riêng. Một trong những thời điểm Tây Bắc đẹp nhất là khi “mùa vàng” đến. Khung cảnh này vừa hùng vĩ, lại vừa nên thơ vô cùng, đó là khi những thửa ruộng bậc thang bát ngát sắc vàng và không gian trong lành tràn ngập hương lúa chín làm say lòng người. Mùa thu đến cùng bao khung trời đẹp khắp nơi và bạn chớ bỏ lỡ “mùa vàng” Tây Bắc nhé!
Nếu như vùng trung du và đồng bằng của Việt Nam có 2 vụ lúa thì vùng Tây Bắc chỉ có một vụ lúa mỗi năm. Thời gian gieo cấy khác nhau giữa các tỉnh ở vùng Tây Bắc nên du lịch Tây Bắc ngắm lúa chín vàng trải dài từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Thời tiết ở Tây Bắc vào thời điểm mùa lúa chín vàng cũng rất đẹp để bạn đi chơi ngoài trời thuận lợi và mỗi một địa điểm của vùng Tây Bắc lại sở hữu một “mùa vàng” Tây Bắc ấn tượng riêng.
Mùa lúa chín ở Mù Cang Chải, Yên Bái
Mù Cang Chải là huyện vùng cao phía Tây của tỉnh Yên Bái, cách trung tâm thành phố Yên Bái 180km, cách thủ đô Hà Nội hơn 300km về phía Tây Bắc. Vùng đất này nằm dưới chân của dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở độ cao trên 2.000m so với mặt biển. Từ thủ đô Hà Nội đến Mù Cang Chải, du khách có thể đi đường Quốc lộ 32 bằng hai hướng, Hà Nội – Yên Bái, tiếp theo là Yên Bái đến Mường Lò 70km, từ Mường Lò đến đến Mù Cang Chải gần 100km, với hơn 80km là đường đèo dốc tiến lên liên tục, đến độ cao 1.750m bắt đầu có sương và mây mờ là sắp đến thị trấn Mù Cang Chải. Chặng giữa đèo có một miền đất phẳng, nghỉ chân ở đây bạn nhớ thưởng thức thứ cơm lam nếp Tú Lệ dẻo thơm nức tiếng khắp vùng. Hướng thứ hai, du khách đi hết đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, lên Sa Pa và qua đèo Ô Quy Hồ, sau đó qua Tân Uyên và Than Uyên của Lai Châu để tới Mù Cang Chải.
Đường đi từ Hà Nội đến Mù Cang Chải hiện nay rất dễ cho việc di chuyển, du khách có thể lựa chọn di chuyển bằng xe máy hay ô tô tùy theo nhu cầu sở thích. Bật mí đó là, di chuyển bằng xe máy, các bạn sẽ trải nghiệm được gần hơn cái hùng vĩ cũng núi rừng Tây Bắc. Tận hưởng thật trọn vẹn cái không khí trong lành của buổi sáng sớm, mùi của rừng cây, hay tiếng chim rừng ẩn hiện gọi nhau khi chiều buông. Ngoài ra, trên đường đi, cũng có rất nhiều cảnh đẹp, do vậy nếu đi xe máy sẽ thuận tiện hơn để dừng lại và chụp cho mình những bức hình ưng ý nhất. Tuy nhiên, chúng ta có thể di chuyển bằng ô tô với những thuận tiện và cảm nhận khác trên cung đường Tây Bắc hùng vĩ.
Đến với Mù Cang Chải, du khách sẽ cảm nhận được sự trù phú của thiên nhiên, sự đặc sắc của văn hóa, sự ấm áp tình người. Quang cảnh thay đổi liên tục trên đường đi khiến du khách hết sức thú vị khi chưa kịp ngắm hết những ngôi nhà sàn của người dân tộc Thái trên cánh đồng Mường Lò rộng lớn đã được đến với những con đường quanh co, uốn khúc trên các sườn đồi dốc đứng. Các vận động địa chất đã tạo cho Mù Cang Chải những đỉnh núi cao như: Púng Luông (2.985m), Phu Ba (2.512m), Mồ Dề (2.100m)… Qua đèo Khau Phạ cao 2.100m, đây là đỉnh núi cao nhất trong “tứ đại đỉnh đèo” Tây Bắc được bao phủ trong biển mây bồng bềnh, khí hậu mát mẻ quanh năm. Đỉnh đèo Khau Phạ còn là địa điểm đẹp đứng thứ 4 trên thế giới để cho các phi công bay dù lượn, cho những ai ưa thích cảm giác mạnh, trò chơi mạo hiểm để chinh phục bầu trời và cùng được thỏa sức chiêm ngưỡng, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của đất trời từ trên không trung qua trò chơi dù lượn. Từ đây, cứ từ đèo này qua đèo khác, núi này qua núi khác, du khách sẽ cảm nhận rõ nét sự thay đổi của độ cao và từ mỗi độ cao ngắm những triền ruộng bậc thang đẹp mê hồn khiến mỗi chúng ta đều thấy choáng ngợp.
Thị trấn Mù Cang Chải nhỏ xinh nằm giữa hai sườn núi với những bản làng thanh bình dưới thung lũng xanh và trên đèo Khau Phạ. Đến nơi đây, du khách có thể vào thăm các bản làng dân tộc Mông. Chiếm 90% dân số toàn huyện, người Mông ở Mù Cang Chải có 4 nhóm: Mông Đơ (Mông Trắng); Mông Đu (Mông Đen); Mông Lình (Mông Hoa); Mông Si (Mông Đỏ), họ cư trú ở những sườn núi cao từ 800 đến 1.700m và còn giữ được những phong tục tập quán nơi vùng cao Tây Bắc với nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian đặc sắc luôn thu hút nhiều nhà nghiên cứu. Du khách đến đây xem múa khèn; cùng trai gái Mông đi hội Sải Sán; trải nghiệm một số nghề thủ công truyền thống như: nghề rèn đúc, dệt vải bằng sợi lanh, làm đồ trang sức và thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào Mông.
Bạn nhớ ghé thăm bản người dân tộc Thái, chỉ cần đi qua cây cầu ở ngay trung tâm huyện, hướng về xã Chế Tạo nơi có khu bảo tồn các loài sinh vật cảnh rồi rẽ trái đi khoảng 1km sẽ tới bản người Thái, một bản nhỏ bình yên nằm giữa thung lũng, lưng tựa vào núi. Ở đây, bạn sẽ được thưởng thức các món ăn đặc sản và tắm lá thuốc theo cách cổ truyền của người Thái, nghỉ ngơi tại nhà sàn và cùng tổ chức giao lưu, đốt lửa trại, múa xòe.
Đến Mù Cang Chải, du khách được thưởng ngoạn vẻ đẹp của quần thể Danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải với tổng diện tích 330ha phân bố chủ yếu trên 3 xã Chế Cu Nha, La Pán Tẩn và Dế Su Phình, nơi đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận Danh thắng Quốc gia từ năm 2007. Không phải chỉ mới bây giờ mà đã từ lâu, vùng đất khắc nghiệt Mù Cang Chải với ý nghĩa “làng cây khô” trong ngôn ngữ Mông đã trở thành biểu tượng sáng tạo, sức cần cù, bền bỉ của con người. Từ một vùng đất khô cằn hoang hóa, những người Mông giỏi trèo đèo vượt núi đã khéo vận dụng biến từng luống đất, từng vạt đồi thành những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp, không chỉ đem lại nguồn lương thực nuôi sống cộng đồng mà còn điểm thêm nét nhấn nhá vào thiên nhiên, biến núi đồi hoang vu thành những kiệt tác độc đáo in đậm giá trị văn hóa truyền thống cùng kỳ công sáng tạo của người Mông. Những thửa ruộng cứ từng bậc, từng bậc ôm theo triền núi triền đồi. Khắp 13 xã, thị trấn của Mù Cang Chải chỗ nào cũng có ruộng bậc thang.
Du khách có thể chụp ảnh, ngắm cảnh ở quãng đường 7km qua thị trấn huyện. Tuy nhiên, muốn tận hưởng trọn vẹn thiên nhiên vĩ và thiên đường ruộng bậc thang thì bạn nên đi bộ từ vài giờ đến… vài ngày bằng những con đường mòn băng qua các hẻm núi. Theo bình chọn của Insider – một báo điện tử du lịch danh tiếng của Mỹ, mới đây, Mù Cang Chải (Yên Bái) của Việt Nam đã lọt vào danh sách những vùng núi đẹp nhất thế giới sánh ngang hàng cùng với nhiều cái tên danh tiếng của thế giới như núi Cầu Vồng ở Peru, dãy Andes ở Bolivia hay đỉnh Phú Sĩ của Nhật Bản.
Khí hậu Mù Cang Chải mang tính chất tiểu vùng rõ rệt, nhiệt độ trung bình là 190C, mát mẻ về mùa hạ, lạnh về mùa đông. Nơi đây vẫn được mệnh danh là “xứ sở của mây mù, núi cao và khe sâu”.
Mùa lúa chín ở Mù Cang Chải thường bắt đầu từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 10. Đến đây vào thời điểm này, du khách không chỉ được ngắm sóng lúa vàng đầy nên thơ của những thửa ruộng bậc thang nương theo những dãy núi non hùng vĩ mà còn được hòa mình vào cảnh thu hoạch lúa gạo của đồng bào các dân tộc Thái, Mông. Lòng hiếu khách là một nét đẹp văn hóa rất đáng quý, bạn sẽ cảm nhận được thật rõ điều này khi bạn muốn xuống tự tay gặt lúa, tách hạt, theo cách riêng của đồng bào nơi này, đây cũng sẽ là một trải nghiệm hết sức thú vị cho hành trình của bạn.
Các điểm đến đặc sắc vào mùa lúa chín ở Mù Cang Chải:
Đèo Khau Phạ
Đèo Khau Phạ là 1 trong những cung đèo đẹp và hiểm trở bậc nhất Việt Nam. Nơi đây cũng nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang trải khắp các sườn núi.
Dừng chân trên đèo Khau Phạ, từ đây du khách có thể phóng xa tầm mắt, ngắm nhìn toàn cảnh núi non trùng trùng điệp điệp, hùng vĩ giữa đất trời Yên Bái, Đứng ở nơi này, ngay trong tầm mắt là biết bao những gợn sóng vàng của lúa chín trên những thửa ruộng bậc thang, để rồi ta thốt lên rằng có một Việt Nam đẹp tuyệt vời đến thế!
Ruộng bậc thang ở các xã La Pán Tẩn, Dế Xu Phình và Chế Cu Nha
Được ví như vân tay của trời, ruộng bậc thang La Pán Tẩn chập chùng, uốn lượn giữa non cao, từng đợt sóng vàng óng ả cuộn mình trong ánh nắng chói chang, giữa đất trời Tây Bắc như gọi mời, níu giữ bước chân người du khách.
Đặc biệt thu hút du khách là ruộng bậc thang trên Đồi Mâm Xôi ở xã La Pán Tẩn, một trong những ngọn đồi đẹp nhất vùng trung du Tây Bắc, đồi Mâm Xôi cách trung tâm huyện Mù Cang Chải 8km, có độ cao tự nhiên 1000m – 1600m so với mặt nước biển với hình dáng xếp tầng lớp tròn đều, nhô cao như mâm xôi đầy rất đẹp.
Ruộng bậc thang trên Đồi Móng ngựa
Đồi Móng Ngựa nằm tại bản Sáng Nhù, cách trung tâm thị trấn Mù Cang Chải khoảng 2 km.
Cùng với Đồi Mâm Xôi ở xã La Pán Tẩn, đồi Móng Ngựa là điểm đến góp phần tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp và hùng vĩ của Mù Cang Chải. Nơi đây là nguồn cảm hứng cho các nhiếp ảnh gia tạo ra những tác phẩm xuất sắc và cũng là điểm đến lý tưởng cho những người yêu thích ngắm bình minh và hoàng hôn. Đường di chuyển đến đây có phần khúc khuỷu nhưng những bức hình sẽ là trái ngọt đáng để mọi người đến và trải nghiệm.
Xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái
Xuất phát từ Hà Nội, bạn đi dọc theo quốc lộ 32, đến Thanh Sơn (Phú Thọ) sau đó di chuyển đến Nghĩa Lộ, Yên Bái. Từ đây đến Văn Chấn – Tú Lệ sẽ là một hành trình thú vị qua nhiều đoạn đèo dốc quanh co với khung cảnh tuyệt đẹp.
Tú Lệ là một xã nhỏ vùng cao có vị thế rất đẹp, nằm trong một thung lũng ở giữa ba ngọn núi cao trập trùng. Đó là núi Khau Song, Khau Thán và Khau Phạ.
Tú Lệ và hương vị cốm mới Tú Lệ được ví như “Nàng thơ” của xứ Tây Bắc. cốm Tú Lệ là loại đặc sản Yên Bái nổi tiếng được rất nhiều người yêu thích và thường chọn mua về làm quà để dành tặng cho bạn bè, người thân. Loại cốm này được làm từ nếp thơm Tú Lệ – một trong những loại nếp hương mà không phải vùng cao nào cũng trồng được. Hàng năm cứ vào dịp gần Tết, rất nhiều người thường đến Tú Lệ để mua loại gạo đặc sản này mang về gói bánh chưng hay thổi xôi. Không chỉ nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp cùng những ngôi nhà và lán gỗ bên đường có các bà các mẹ đang giã cốm, Tú Lệ hấp dẫn bởi ẩm thực độc đáo và bản sắc văn hóa dân tộc còn được lưu giữ nơi đây. Cho đến nay, người dân tộc Thái ở Tú Lệ còn giữ tục lệ “tắm tiên”. Hình ảnh những cô gái Thái tắm trần bên bờ suối cũng chính là nét đẹp khiến cho biết bao người ghé thăm cảm thấy xao xuyến.
Cánh đồng Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái
Cánh đồng Mường Lò cách thành phố Yên Bái khoảng 80km, đây là một trong những cánh đồng lớn thứ 2 của vùng núi Tây Bắc. Mường Lò có địa hình như một lòng chảo khổng lồ khiến du khách phải kinh ngạc. Cánh đồng Mường Lò thuộc địa phận thị xã Nghĩa Lộ và nằm cạnh một xã khác thuộc huyện Văn Chấn nên vì thế với cùng một thời điểm nhưng mỗi xã sẽ có lịch canh tác khác nhau. Du khách đến Mường Lò thấy bên này là Nghĩa Lộ lúa đã ngả chín vàng ươm cả cánh đồng thì ở Văn Chấn cánh đồng vẫn khoác lên mình những màu xanh mát cả một vùng trời. Vì thế tạo nên một khung cảnh vô cùng thú vị cùng với thửa ruộng đan xen đẹp mắt.
Từ trên cao nhìn xuống bạn sẽ thấy nơi đây được ôm trọn bởi dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp.
Khi đặt chân đến thăm cánh đồng Mường Lò, du khách không chỉ được thưởng thức cảnh đẹp mùa lúa chín, mà còn có cơ hội tìm hiểu một vùng đất đa dạng về văn hoá với những nét đan xen độc đáo trong cuộc sống sinh hoạt của người đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Kinh, Nùng, Mông, Tày,….rất thú vị.
Huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái
Cách thành phố Yên Bái khoảng 100 km, huyện Trạm Tấu là điểm đến thích hợp với những du khách thích hòa mình với thiên nhiên trong khung cảnh hoang sơ, khám phá văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông và Thái. Trạm Tấu đẹp nhất khi các thửa ruộng bắt đầu lên xanh mơn mởn rồi chín vàng vào khoảng giữa tháng 8 đến giữa tháng 10. Thiên nhiên ưu ái cho Trạm Tấu nơi mà bạn có thể ngâm mình trong những bể nước từ nguồn nước suối khoáng nóng tuyệt vời, nằm sát những thửa ruộng bậc thang, nhìn ra những nương lúa.
Ruộng bậc thang ở Sapa, tỉnh Lào Cai tuyệt đẹp khi mùa lúa chín
Là một trong 7 ruộng bậc thang kỳ vĩ nhất châu Á do tạp chí du lịch Travel and Leisure (Mỹ) bình chọn, Sapa bước vào mùa lúa chín vàng như mơ khắp các bản Trung Chải, Sa Pả, Tả Phìn, Lao Chải, Tả Van.
Và các địa điểm không nên bỏ lỡ để ngắm mùa lúa chín tuyệt đẹp trên các ruộng bậc thang ở Sapa còn phải kể đến các địa danh như:
Nậm Cang nếu bạn là một người thích không gian vắng vẻ thì là lựa chọn phù hợp. Từ thị trấn Sa Pa, du khách lái xe về hướng Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn khoảng 30 km sẽ đến Nậm Cang
Đi qua xã Nậm Cang là tới Nậm Than, Nậm Nhìu và Nậm Sài. Cả ba xã này đều nằm khá xa khu vực thị trấn và có khung cảnh thiên nhiên rất đẹp.
Xã Tả Giàng Phìn (còn gọi là Ngũ Chỉ Sơn) là một xã biên giới, cách trung tâm thị trấn Sa Pa 28 km. Du khách tìm đường đến bản Ô Quy Hồ, sau đó chạy vào đường tỉnh 155 thêm 15 km là đến nơi. Ngũ Chỉ Sơn là sự hòa quyện của đại ngàn, ruộng lúa, những ngôi nhà đơn sơ, được mệnh danh là kỳ quan núi giữa Sa Pa và Lai Châu. Nhìn từ xa, 5 ngọn núi nằm sát nhau như năm ngón tay xòe lên trời. Những vệt nắng chiều xiên xuống chân núi là nơi những thảm ruộng bậc thang tuyệt đẹp.
Bản Tả Phìn cách thị trấn Sa Pa khoảng 12 km, chếch về phía đông bắc. Đây là địa phận cư trú của dân tộc Dao và H’mong. Dọc đường vào Tả Phìn, bạn sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên đẹp như mơ của các thửa ruộng bậc thang trải khắp các sườn đồi, triền núi. Điểm xuyết là những nhà sàn của người đồng bào các dân tộc, những nương ngô.
Phương tiện phù hợp nhất để đến các xã này chính là xe máy. Bạn có thể dễ dàng dừng chân ở bất kỳ địa điểm nào yêu thích để chụp những bức ảnh đẹp.
Ngoài được chiêm ngưỡng bức tranh tráng lệ của những cánh đồng lúa trên ruộng bậc thang, du khách cũng có thể tìm hiểu về văn hóa bản địa của người dân tộc H’Mông, Dao, Tày, Giáy
Ruộng bậc thang Y Tý vào mùa lúa chín
Tọa lạc tại huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, Y Tý đẹp như một bức tranh nằm tựa vào dãy núi Nhìu Cồ San hùng vĩ. Cách thị trấn Sa Pa 70km và thành phố Lào Cai 90km, nơi này nằm ở độ cao trên 2000m, đỉnh Y Tý cao tới 2.660 so với mực nước biển. Vì Y Tý cao hơn so với Sa Pa hay Mù Cang Chải nên đường lên Y Tý khó đi hơn và cũng thú vị hơn khiến du khách háo hức muốn chinh phục.
Để di chuyển từ Hà Nội lên Y Tý, bạn đi theo 2 lộ trình: Hà Nội đến lên Lào Cai và từ Lào Cai lên Y Tý.
Bạn có thể lựa chọn xe khách hoặc tàu hỏa. Nếu đi tàu hỏa, bạn mua vé với giá dao động từ 200.000 – 450.000đ tùy vị trí chỗ trên toa và xuất phát từ ga Hà Nội để đi lên Lào Cai với thời gian di chuyển khoảng 8 tiếng. Nếu đi bằng xe khách, bạn có thể xuất phát tại bến xe Mỹ Đình với giá vé ô tô dao động khoảng 200.000 – 250.000 vnđ/lượt/người. Các nhà xe ô tô thường dùng xe giường nằm và xuất phát vào buổi đêm để sáng sớm đã đến Lào Cai.
Từ thành phố Lào Cai bạn có thể thuê xe máy để đi Y Tý theo cung đường Mường Hum hoặc Bát Xát. Giá thuê xe số khoảng 80.000đ/ngày. Đối với xe ga khoảng 100.000đ/ngày.
Thời điểm thích hợp nhất để ngắm cảnh mùa lúa chín vàng Y Tý là vào khoảng đầu tháng 9 đến cuối tháng 10. Mùa lúa chín trên ruộng bậc thang ở Y Tý có thể kéo dài trong vòng 3 tuần.
Y Tý quanh năm sương trắng phủ mờ nhưng thời tiết Y Tý mùa lúa chín rất dễ chịu. Bạn sẽ cảm nhận được chút se se lạnh vào sáng sớm, âm dần vào buổi trưa và lạnh hơn về chiều tối. Một ngày bốn mùa nơi đây sẽ mang lại cho bạn những trải nghiệm tuyệt vời hơn bao giờ hết.
Vào mùa lúa chín dường như cả đất trời bừng tỉnh, màu vàng ruộm của lúa chín xua tan màn sương giăng đầy. Lúa chín trên các ruộng bậc thang đồng loạt ngả một màu vàng đắm say cuốn hút
Những địa điểm ngắm Y Tý mùa lúa chín đẹp
Xã A Lù
A Lù là một trong những xã nằm trên đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc dọc theo suối Lũng Pô, thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Năm 2012, con đường nhựa đã trải vào A Lù, nhờ vậy việc di chuyển từ Y Tý vào A Lù tương đối dễ dàng.
A Lù bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi cao, thấp dần từ Đông Nam sang Tây Bắc. Và chính điều này, đã tạo nên cho thiên nhiên vẽ đẹp hùng vĩ vô cùng. Nơi đây có những bậc thang lúa vàng bát ngát như những con sóng nối tiếp, trải dài. Xa xa lại có vài ngôi nhà nhỏ của người Hà Nhì nép mình bên triền đồi hay núp mình trong các lùm cây.
Thung lũng Thiên Sinh
Đến đây, bạn sẽ được ngắm nhìn thật đã mắt cảnh lúa chín bạt ngàn chạy từ chân lên đến đỉnh núi như những bậc thang bắc lên tận mây xanh. Tạo nên phong cảnh tuyệt đẹp rung động lòng người.
Những lưu ý khi đi du lịch vào mùa lúa chín ở vùng núi Tây Bắc
– Bạn nên chuẩn bị kĩ càng đồ dùng cá nhân cần thiết. Chú ý, với các bạn đi phượt, trang thiết bị bảo hộ cần đạt tiêu chuẩn, đảm bảo một chuyến đi thú vị và an toàn.
– Vùng núi sẽ có mưa bất chợt và to hơn so với đồng bằng, vì vậy du khách mang áo mưa, ô đầy đủ, đặc biệt cần chú ý đến thời tiết, phòng trường hợp xảy ra sạt lở do mưa to.
– Sang tháng 9, thời tiết ban ngày tương đối mát mẻ, tuy nhiên, vào chiều tối và đêm sẽ trở lạnh do vậy bạn nhớ mang theo áo khoác nhẹ để sức khỏe cho chuyến đi được đảm bảo.
– Thuốc chống muỗi, dụng cụ sơ cứu cơ bản sẽ là cần thiết phòng những sự cố bất ngờ xảy ra trong khi di chuyển.
Khi bạn muốn đi theo tour được lên lịch trình trước, các công ty du lịch có các chương trình như từ TP.Hồ Chí Minh có Tour Mù Cang Chải 5 ngày 4 đêm, từ Hà Nội có Tour Mù Cang Chải 2 ngày 1 đêm hoặc 3 ngày 2 đêm… với các ưu đãi như: Khuyến mãi đặt xa, khuyến mãi đặt theo nhóm, khuyến mãi cho khách hàng thân thiết, khuyến mãi cho người cao tuổi…
Không chỉ có những dải lụa vàng đủ sắc thái, Nơi đây còn là nơi tập trung của khoảng hơn 20 dân tộc tạo nên sự đa dạng văn hóa hiếm nơi nào có được. Tây Bắc mùa thu rộn rã tiếng cười trẻ thơ, ánh mắt phúc hậu của các cụ già, niềm vui lấp lánh trên khuôn mặt đồng bào thu hoạch nông sản…“Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi!” chính là những gì mà bạn sẽ cảm nhận khi du lịch Tây Bắc. Để rồi, khi sống trong cuộc sống phố thị, ta lại thèm cảm giác được đắm chìm trong sắc vàng mê mải, thèm được ăn gói xôi Tú Lệ dẻo thơm, miếng thịt trâu gác bếp thấm hương vị khói bếp, và thầm hẹn năm sau gặp lại Tây Bắc khi thu về.
Trên đây là những gợi ý cho du khách khi đến Tây Bắc vào mùa lúa chín. Chúc bạn có hành trình du lịch thú vị với “mùa vàng” Tây Bắc.
Say mê vẻ đẹp của “Mùa vàng” Tây Bắc – Ruộng bậc thang Tây Bắc vào mùa lúa chín, bạn cũng đừng bỏ lỡ khung cảnh tuyệt đẹp vào mùa lúa chín ở Hoàng Su Phì, Bắc Sơn ( Lạng Sơn), Hòa Bình, Pù Luông (Thanh Hóa) nhé!
Biên tập: Kim Thúy