Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám có gì?

Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long xưa. Văn Miếu – Quốc Tử Giám hiện đã được Thủ tướng chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 12/5/2012. Khuê Văn Các tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám được chọn là biểu tượng của Thủ đô theo Luật Thủ đô được, 82 tấm bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu và ghi vào danh mục Ký ức thế giới toàn cầu. Những điều này đã cho thấy, Văn Miếu – Quốc Tử Giám không chỉ là tài sản quý giá của Thủ đô, của Việt Nam, mà nó đã trở thành tài sản, di sản văn hóa của nhân loại. Trong những năm qua, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, khu di tích tâm linh, biểu tượng của trí tuệ, truyền thống hiếu học đã được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm, tạo nhiều điều kiện để trở thành một di tích, địa chỉ thu hút, hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Quần thể kiến trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám bao gồm: hồ Văn, khu Văn Miếu – Quốc Tử Giám và vườn Giám với kiến trúc chủ thể là Văn Miếu – nơi thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám – trường đại học đầu tiên của Việt Nam.

Khu Văn Miếu – Quốc Tử Giám có tường gạch vồ bao quanh, phía trong chia thành 5 lớp không gian với các kiến trúc khác nhau. Mỗi lớp không gian đó được giới hạn bởi các tường gạch có 3 cửa để thông với nhau (gồm cửa chính giữa và hai cửa phụ hai bên). Từ ngoài vào trong có các cổng lần lượt là: cổng Văn Miếu, cổng Đại Trung, cổng Đại Thành và cổng Thái Học. Với hơn 700 năm hoạt động đã đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước, đến nay, Văn Miếu-Quốc Tử Giám là nơi tham quan của du khách trong và ngoài nước, nơi khen tặng cho học sinh xuất sắc và còn là nơi tổ chức hội thơ hàng năm vào ngày rằm tháng giêng, nơi tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, khoa học. Cũng tại đây, vào mỗi dịp Tết nguyên đán hay trước mỗi kỳ thi, các sĩ tử thường đến xin chữ đầu xuân của các ông đồ và cầu may trong thi cử, học hành.

Văn Miếu

Văn Miếu được xây dựng từ năm (1070) tức năm Thần Vũ thứ hai đời Lý Thánh Tông. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mùa thu tháng 8, làm Văn Miếu, đắp tượng, Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến đấy học”. Năm 1156, Lý Anh Tông cho sửa lại Văn Miếu và chỉ thờ Khổng Tử.

Văn Miếu được xây dựng trên khu đất hình chữ nhật (dài 300m, rộng 70m), xung quanh là tường gạch vồ, gồm các hạng mục sau:

Khung cảnh thơ mộng tại Hồ Văn (Ảnh: Sưu tầm)

Hồ Văn:

Hồ Văn nằm đối diện với khu cổng chính của di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Trước đây, giữa hồ có gò Kim Châu, trên dựng một phương đình, gọi là “Phán Thuỷ đình”, là nơi diễn ra các buổi bình thơ của Nho sĩ. Nay phương đình này không còn, trên gò vẫn còn tấm bia dựng năm Tự Đức 18 (1865) ghi lại việc việc nạo vét hồ. Trải qua nhiều biến động của lịch sử, Hồ Văn đã ngày càng bị thu hẹp lại do lấn chiếm và cây cỏ mọc um tùm, năm 1998 nhà nước đã cho tu sửa, kè hồ và mở cửa cho khách tham quan. Ngày nay, mỗi dịp tết đến xuân về nơi đây thường tổ chức các buổi trình diễn Thư pháp và nhiều người dân đến xin chữ đầu năm để cầu may mắn…

Vườn Giám

Vườn Giám nằm ở phía Tây của di tích. Ngày nay, Vườn Giám vẫn là khoảng không gian quan trọng của khu di tích, hiện trưng bày nhiều cây cảnh, nhà bát giác, vào các dịp lễ Tết còn là địa điểm tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật như: Múa rối nước, đánh đu, trình diễn thơ…

Nghi môn ngoại (tứ trụ)

Nghi môn ngoại (tứ trụ)

Xưa kia Nghi môn nằm sát Hồ Văn soi mình xuống lòng hồ trong xanh, nhưng khi Pháp chiếm đóng Hà Nội, họ cho làm con đường Quốc Tử Giám cắt qua ngăn cách Nghi môn này với Hồ Văn. Nghi môn  được  xây dạng tứ trụ (4 cột) bằng gạch, hai trụ giữa xây cao hơn trên có hình hai con ghê chầu vào. Theo quan niệm tâm linh của người phương đông, nghê  là con vật linh thiêng có khả năng nhận ra kẻ ác hay người thiện. Hai trụ ngoài thấp hơn, trên đắp nổi 4 con chim phượng xòe cánh chắp đuôi vào nhau theo kiểu kết lồng đèn (phượng cũng là một trong những linh vật xuất hiện nhiều trong các trang trí kiến trúc cổ của người Việt). Xung quanh tứ trụ có  đắp nổi các câu đối chữ Hán ca ngợi và đề cao đạo thánh hiền, trong đó có câu:

Đông, Tây, Nam, Bắc do tư đạo,

Công khanh phu sĩ xuất thử đồ.

Nghĩa là:

Từ 4 hướng đông, tây, nam, bắc

Nhân tài cùng hội tụ về đây

(cũng từ đây nhân tài tỏa đi bốn phương)

Hai bên nghi môn có 2 bia “Hạ mã” (xuống ngựa) được dựng vào năm 1771, để nhắc nhở các công khanh phu sĩ hay thứ dân khi đi qua khu vực  này đều phải xuống ngựa để biếu thị sự tôn kính với các bậc tiên thánh, tiên nho và trung tâm giáo dục hiền tài của Đất nước.

Nghi môn nội: Qua tứ trụ chúng ta sẽ thấy một chiếc cổng lớn được xây dựng theo kiểu kiến trúc tam quan với hai tầng ba cửa, cửa lớn ở chính giữa, hai cửa nhỏ hai bên, phía trên đề 3 chữ Hán “Văn Miếu Môn” tức là cổng văn miếu, còn gọi là Nghi môn nội với mặt trước và sau có các đôi câu đối bằng chữ Hán ca ngợi Nho giáo, đạo học răn dạy lẽ xuất xử của các bậc thức giả.

Ở mặt ngoài của cổng này đắp nổi các hình tượng “Long ngư hội tụ” cá rồng ẩn hiện trong mây, ví như cảnh thanh vân đắc lộ của các nho sinh thành đạt (bên phải) và “Mãnh hổ hạ sơn” núi rừng mây nước nổi bật lên dáng dấp một con Hổ hùng dũng xuống núi, ví như các bậc thức giả khí thế bước vào đời (bên trái).

Phía trước cổng Văn Miếu chúng ta có thể chiêm ngưỡng thấy đôi rồng đá cách điệu thời Lê. Hình ảnh rồng ẩn trong mây biểu lộ cái nhìn tinh tế của các nghệ nhân. Bên trong là đôi rồng đá thời Nguyễn, ở đây là sự phối hợp tổng hòa những nét độc đáo, uy nghi của các linh vật, đây là những hiện vật tuyệt đẹp ở Văn Miếu môn, biểu tượng cho sự tôn nghiêm và thành kính.

Dưới thời phong kiến, cổng chính chỉ được mở khi vua, hoàng gia và các bậc đại quan tới thăm Văn Miếu và tế lễ khổng tử. Còn học trò thứ dân thì đi ở hai cổng nhỏ ở hai bên, sau đây xin mời quý khách vào tham quan khu nội tự.

Khu Nhập đạo:

Nhập đạo là nhập vào đạo Nho, có nghĩa là sửa soạn mình sẵn sàng trên con đường đến với cửa Khổng sân Trình, là học tập lễ nghi, đạo đức  trước rồi mới học kiến thức, cũng như con em của chúng ta khi bắt đầu đi học, đều phải qua giai đoạn đầu là học tập quy định, nội quy của lớp, của trường. Trong lớp không gian thứ nhất này quý khách sẽ thấy 3 con đường, đường chính giữa gọi là đường Hoàng đạo, xưa chỉ dành cho vua, hoàng gia và các bậc đại quan đi, hai đường nhỏ hai bên là đường Linh đạo dành cho học trò và thứ dân.

Đại Trung Môn (Ảnh: Sưu tầm)

Cửa Đại Trung:

(Đại Trung môn): Là cổng dẫn vào khu thứ hai của Văn Miếu, với ý nghĩa là chiếc cổng lớn ở chính giữa. Cổng này có kiến trúc đơn giản, gồm 3 gian xây trên nền gạch cao, mái lợp ngói mũi hài, phía trên nóc đắp nổi chiếc bình hình quả bầu gọi là bình móc và hai con cá chép chầu. Móc là một loại sương rất tinh khiết, theo quan niệm dân gian năm nào có móc năm đó hứa hẹn nhiều điều tốt lành. Bởi vậy, chiếc bình móc đắp nổi trên nóc cổng Đại trung thể hiện tâm nguyện của người xưa hứng những tinh túy nhất của trời đất hay những tinh hoa của đạo học hội tụ về trên mảnh đất này, cá chép chầu gợi cho ta nhớ đến tích truyện “cá chép vượt vũ môn”. Con cá chép nỗ lực hết mình vượt qua thác nước chín tầng đầy cam go, nguy hiểm, nhưng khi vượt qua được thì cá chép sẽ hóa Rồng. Rồng là con vật linh thiêng, cao quý, biểu tượng của quyền uy sức mạnh nên con Rồng rất được trọng vọng.

Và hình ảnh cá chép vượt vũ môn hóa Rồng chính là hình ảnh ẩn dụ về người học trò ngày xưa, các nho sinh dùi mài kinh sử miệt mài vất vả ngày đêm chờ đợi ngày triều đình mở khoa thi, khi thi đỗ người nho sinh giống như con cá chép vượt vũ môn thành công, thay đổi hoàn toàn thân phận của mình, được vinh dự nhận ân điển của triều đình, được vinh quy bái tổ, làng nước đón mừng, Quan trọng hơn, họ cũng như con cá chép khi hóa rồng sẽ đem hết tài năng, tâm sức của mình để giúp dân, giúp nước.

Hai bên cổng Đại trung còn có hai chiếc cổng nhỏ, bên tay phải là cổng Thành Đức, bên tay trái là cổng Đạt Tài. Tên của hai cổng này thể hiện quan điểm giáo dục đào tạo con người vừa có đức vừa có tài.

hung cảnh xanh mát tại Khuê Văn Các (Ảnh: Sưu tầm)

Khuê Văn các

Khuê văn các được xây dựng năm 1805 dưới triều vua Gia Long nhà Nguyễn. Công trình này do Tổng trấn Bắc thành là ông Nguyễn Văn Thành cho xây dựng với kiến trúc 2 tầng 8 mái, tầng dưới là 4 trụ gạch, bốn bề trống không. Tầng trên là kiến trúc gỗ hai tầng mái lợp ngói ống, xung quanh là lan can con tiện gỗ. Bốn mặt gác trổ 4 cửa sổ hình tròn với các trấn song con tiện tượng trưng cho các tia của sao khuê đang tỏa sáng. Phía trên treo một tấm biển sơn son thiếp vàng đề 3 chữ Hán: “Khuê Văn các”. Xung quanh 4 mặt có các câu đối chữ Hán ca ngợi vẻ đẹp văn hóa, văn chương, như:

Hi triều phấn sức văn long trị,

Kiệt tác chân tàng tập đại quan.

Nghĩa là:

Đời thịnh tô điểm nền văn trị,

Lầu gác lộng lẫy lưu giữ vẻ đẹp.

Hay:

Khuê tinh thiên lãng nhân văn xiển,

Bích thủy xuân thâm đạo mạch trường.

Nghĩa là:

Sao Khuê sáng giữa trời, nhân văn rạng tỏ.

Sông Bích đượm sắc xuân, đạo học dài lâu.

Khuê là tên một ngôi sao sáng nhất trong chòm 28 sao trên giải ngân hà, là đầu bạch hổ ở phương tây, có 16 ngôi, sắp xếp khúc khuỷu tự nhiên trên bầu trời giống hình chữ Văn trong chữ Hán. Trong sách Hiếu kinh có ghi: “Khuê chủ văn chương” nghĩa là Sao khuê là sao chủ về văn chương, nên có thể hiểu đây chính là ngôi sao của vị thần phụ trách văn chương, văn học. Chính vì sự tinh tế và ý nghĩa như vậy nên ngày nay Khuê Văn các được chọn làm biểu tượng của thủ đô Hà Nội, với mong muốn vẻ đẹp của văn chương sẽ mãi tỏa sáng như sao Khuê giữa bầu trời.

Hai bên gác Khuê văn có hai cửa nhỏ là: Bí văn – văn chương trau chuốt, sáng sủa) và Súc văn – văn chương hàm ý, súc tích. Đây có thể coi là hai tiêu chí cơ bản của văn chương để người nho sinh phấn đấu, rèn luyện..

Hai dãy nhà bia tiến sĩ:

Khu tiếp theo của cụm di tích là khu nhà bia Tiến sĩ. Chính giữa khu là giếng Thiên Quang (Thiên Quang tỉnh-nghĩa là giếng ánh sáng trời). Theo quan niệm của người xưa, giếng hình vuông tượng trưng cho mặt đất, các cửa sổ của gác khuê văn hình tròn tượng trưng cho bầu trời, ý nói nơi đây tập trung mọi tinh hoa của trời đất, đề cao trung tâm giáo dục nho học Việt Nam.

Đối diện hai bên của Thiên Quang tỉnh là 82 bia Tiến Sỹ. Đây là bia lưu danh họ tên quê quán của hơn 1.300 vị Tiến Sỹ của 82 khoa thi ( 81 khoa triều Lê, 1 khoa triều Mạc) từ năm 1442 đến năm 1779 (bia được dựng từ năm 1484 đến năm 1780). Hệ thống bia Tiến sĩ này là những pho sử liệu bằng đá vô cùng  độc đáo và quý hiếm, cung cấp những tư liệu quý giá về lịch sử khoa cử Việt Nam và chứa đựng nhiều giá trị văn hóa khác. Hai dãy nhà bia mới được dựng lại năm 1994, gồm 8 nhà che bia, sắp xếp bia tiến sĩ mỗi bên bốn dãy, mỗi nhà đặt 10 bia. Hai tấm bia ghi nội dung khoa thi năm 1442 và 1448 được đặt vào giữa hai toà Bi đình. Không phải khoa thi nào tiến hành xong đều được khắc bia ngay, không phải bia đã dựng thì vĩnh tồn, không hư hỏng, không mất mát.

Khoa thi nho học đầu tiên của Việt Nam được tổ chức năm 1075 dưới  thời Lý, đó là khoa thi Tam trường, người đỗ đầu trong khoa thi này là Lê Văn Thịnh, người Bắc Ninh, được coi là vị tiến sĩ khai khoa đầu tiên trong lịch sử khoa cử nước ta. Nhưng giai đoạn này thể thức thi cử chưa rõ ràng và thường lệ, cho đến thời nhà Trần khoa cử phát triển hơn, nhưng việc khắc tên tuổi của các vị đỗ đạt lên bia tiến sĩ chưa được thực hiện, mà được ghi trong sách Đăng khoa lục.

Ý tưởng dựng bia ghi tên các tiến sĩ khởi lên từ Lê Thánh Tông, vị hoàng đế học sâu, hiểu rộng quan tâm nhiều đến sự hưng thịnh của đất nước và nền văn hóa dân tộc. Nhận thấy sự cần thiết phải biểu dương nhân tài để khuyến khích việc học tập trong toàn dân, nhất là các thế hệ học trò, những người đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Năm 1484 vua đã xuống chiếu cho truy dựng từ khoa thi 1442, và lệ dựng bia được bắt đầu từ đây.

Về cơ bản, chủ trương dựng bia tiến sỹ được thực hiện sau mỗi kỳ thi, nhưng không mấy khi được dựng ngay mà làm tập trung vào từng đợt. 82 bia Tiến sĩ được dựng vào 3 đợt lớn:

+ Đợt 1: Năm 1484 (niên hiệu Hồng Đức 15) dựng 10 bia các khoa thi từ 1442 đến năm 1484. Bia thời kì này có kích thước nhỏ, trán bia khắc hình hoa lá mây, trăng, rùa có đầu ngẩng cao, dáng mỏ chim, khối tròn chải chuốt.

+ Đợt 2: năm 1653 (niên hiệu Thịnh Đức 1) dựng 25 bia cho các khoa từ năm 1554 đến năm 1652. Bia thời kỳ này nghệ thuật trang trí phong phú hơn, trán bia xuất hiện hình rồng chầu mặt nguyệt, rùa có hình dáng cổ rụt, đầu hơi chúc, mặt bẹt, sống mũi uốn cao.

+ Đợt 3: năm 1717 (niên hiệu Vĩnh Thịnh 13) dựng 21 bia, từ khoa 1656 đến 1712. Bia thời kì này điêu khắc đề tài sinh động, hiện thực gần với đời sống hơn, rùa đá có cổ ngắn, có chân, mai cong vồng lên, có gò sống lưng, có chạm hình 6 cạnh.

Còn lại 26 bia được dựng ngay sau các khoa thi.

Các tấm bia đều được khắc bằng loại đá được khai thác tại núi An Hoạch, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá (hiện nay vẫn còn 1 tấm bia ghi lại việc lấy đá ở vùng này khắc 25 bia Văn Miếu vào năm 1653). 82 tấm bia này với những giá trị đặc biệt, là những hiện vật gốc, độc bản, đã được công nhận là Di sản tư liệu thế giới năm 2011và bảo vật quốc gia năm 2015.

Bia Tiến sĩ gồm 3 phần là: Trán bia, Thân bia và Đế bia.

Trán bia có hình khung vòm, mô típ trang trí chủ yếu là hình rồng chầu mặt nguyệt, hình hoa lá mây trăng hay phượng chầu mặt nguyệt…

Hai bên diềm bia được tạo tác hoa văn rất đẹp như hoa cúc dây, hoa sen, chim, thú, hình ảnh người nông dân hay các viên quan lại đều được các nghệ nhân thể hiện rất sinh động…, đây có thể coi như một bảo tàng nghệ thuật phong phú ngoài trời.

Phần trên cùng sát với trán bia khắc niên đại tổ chức khoa thi, bên dưới là bài ký khắc theo chiều dọc của bia, đọc từ trên xuống dưới từ phải sang trái có nội dung ca ngợi triều vua đang trị vì, tiếp theo là năm tổ chức khoa thi, tình hình đất nước khi mở khoa thi, tên và chức tước của các vị quan được vua sai tổ chức kỳ thi với nhiệm vụ cụ thể, số lượng thí sinh, người soạn văn bia, người nhuận sắc và cả người viết chữ để khắc đá cũng có tên trên bia.

Sau bài ký là họ tên, quê quán của các vị đỗ kỳ thi đó theo thứ tự từ cao xuống thấp như: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa hay Tiến sĩ. (Vua Gia Long lên ngôi năm 1802, định đô ở Huế và cho xây dựng Văn Miếu- Quốc Tử Giám ở Huế. Từ đó các khoa thi Hội, thi Đình đều được tổ chức ở Huế).

Toàn bộ các tấm bia tiến sĩ ở đây đều được đặt trên lưng Rùa với 3 lí do sau:

+Về mặt tâm linh: Rùa là một trong những tứ linh: Long, Ly, Quy, Phượng.

+ Về mặt lịch sử: Rùa được coi là vị Thần của dân tộc (Thần Kim Quy )

+Về mặt sinh học: Rùa là một con vật khỏe mạnh, sống lâu. Khi đặt các tấm bia trên lưng Rrùa với mong muốn tên, tuổi của các vị tiến sĩ sẽ trường tồn mãi với thời gian, để các thế hệ đương thời và hậu thế nhìn vào mà sinh lòng hâm mộ, phấn chấn, tự rèn luyện danh tiết, chăm chỉ học tập để có ngày bảng vàng bia đá ghi danh, khẳng định tầm quan trọng của nhân tài đối với sự hưng thịnh của đất nước, bên cạnh đó còn thể hiện lòng kính trọng của toàn dân với các bậc tiên hiền của dân tộc.

Xưa kia, Số lượng người tham gia các kì thi rất đông, năm đông nhất, số lượng thí sinh dự kì thi hội lên đến 6000 người, các năm trung bình có khoảng 2000 đến 3000 người dự thi. Nhưng việc lựa chọn lấy đỗ là không nhiều, như khoa thi năm 1478 lấy đỗ nhiều nhất là 62 người và thâm chí có khoa thi chỉ lấy đỗ có 3 người là khoa thi năm 1595 và năm 1667. Điều này cho chúng ta thấy không khí học tập và thi cử vô cùng sôi động, náo nhiệt và đầy khó khăn, thử thách.

Để được khắc tên trên bia đặt trang trọng tại nơi này, các nho sinh phải học tập chăm chỉ, dùi mài kinh sử, trải qua ít nhất 10 năm đèn sách và vượt qua 4 kì thi. Đầu tiên là thi khảo hạch ở cấp địa phương, thể thức thi khảo hạch là: Nho sinh phải làm một bài ám tả, quan phủ khảo 3 bài kinh nghĩa. nho sinh nào trúng thí thì sẽ được vào thi Hương.

Thi Hương dưới triều Lê được Triều đình tổ chức 3 năm một lần, gồm các thí sinh từ các trấn hay lộ dự thi tại một điểm do triều đình quy định. Địa điểm thi có khi là bãi đất trống hoặc khu ruộng mà người nông dân vừa thu hoạch xong, vì vậy mà khi đi thi các sĩ tử còn phải gánh theo lều, chõng để thi. Các nho sinh phải khai rõ ràng quê quán, tên tuổi, chuyên học kinh gì, chức sắc của ông cha. Những nhà nào làm nghề hát xướng cùng là nghịch đảng ngụy quân hay những người đang mang trọng tang đều không được đi thi. Trường hợp dối trá, hay thi hộ sẽ bị tội đồ suốt đời không được đi thi nữa.

Thi Hương thường có 4 kỳ thi: Kinh nghĩa; Chế, chiếu, biểu; thơ phú và văn sách. Thời Lê, người nào trúng 4 kỳ gọi là Hương cống, 3 kỳ là Sinh đồ. Thời Nguyễn trúng kỳ thi Hương gọi là Cử nhân.Những Nho sinh trúng thí thi Hương được vào học ở Quốc Tử Giám, sau đó phải qua một kỳ khảo hạch gắt gao của bộ Lễ mới được thi Hội và thi Đình.

Thi Hội do triều đình tổ chức tại Kinh đô, trải qua 4 kỳ như thi Hương, nhưng ở trình độ cao hơn. Những ai đỗ thi Hội được tạm coi là đỗ Tiến sĩ, và trải qua một kì thi nữa là thi Đình để phân hạng cao thấp. Người đỗ đầu kỳ thi Hội gọi là Hội nguyên.

Thi Đình được tổ chức tại Điện Kính Thiên (Hoàng Thành hiện nay). Các thí sinh chỉ phải làm một bài văn sách do vua ra đề, hỏi về đạo trị nước và sử dụng hiền tài an dân… Và nhà vua không đánh trượt một ai, căn cứ vào bài thi, triều đình sẽ phân hạng thí sinh theo 3 loại:

+ Những người đỗ đầu gọi là Đệ nhất giáp Tiến sỹ cập đệ, gồm có 3 danh Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa.

+ Những người đỗ hạng 2 gọi là Đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân hay còn gọi là Hoàng Giáp.

+ Những người đỗ hạng 3 gọi là Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân.

Người đỗ đầu cả 3 kỳ thi: Thi Hương, Thi Hội, Thi Đình gọi là Tam nguyên, ví dụ như nhà Bác Học Lê Quý Đôn đã từng đỗ tam nguyên (khoa thi năm 1752 ).

Tuy nhiên, không phải khoa thi nào cũng lấy đủ cả Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa, mà có năm chỉ lấy Bảng nhãn, Thám hoa hay Hoàng Giáp đỗ đầu, có năm chỉ có Tiến sĩ thôi.

Xưa kia tuổi đi học và đi thi không quy định tối thiểu và tối đa, vì vậy trong lịch sử khoa cử nước ta có vị đỗ Tiến sĩ khi tuổi đời còn rất trẻ, như trạng nguyên Nguyễn Hiền người Nam Định, ông đỗ khi mới 13 tuổi của khoa thi năm 1247, hay Tiến tiến sỹ nhiều tuổi nhất là là tiến sỹ Quách Đồng Dần người Bắc Ninh khi đã 68 tuổi của khoa thi năm 1638. Tuy vậy, người đi thi cao tuổi nhất là ông Đoàn Tử Quang người Hà Tĩnh. Ông đi thi khi đã 82 tuổi và đỗ thứ 29/30 của khoa thi năm 1900. Giai thoại kể rằng, có người hỏi cụ: Cụ cao tuổi như vậy còn học và đi thi làm gì? Ông trả lời rằng: Tôi đi học và đi thi là để báo đáp công ơn sinh thành của mẹ, cha và làm gương cho con cháu. Điều này một lần nữa khẳng định tinh thần học tập, thi cử của ông cha ta, đi học đi thi không chỉ đỗ ra làm quan mà còn làm gương để con cháu noi theo.

Khi đỗ đạt vị Tiến sĩ được nêu tên trên bảng vàng, được phong chức tước, được cấp mũ áo xiêm đai, ngựa quý về vinh quy bái tổ, dự yến ở vườn thượng uyển của vua. Vinh hạnh hơn cả là được ghi tên trên bia đá lưu truyền mãi mãi, hậu thế trông vào mà sinh lòng hâm mộ, phấn chấn, rèn luyện danh tiết.

Cũng trên các tấm bia quý giá này, chúng ta tự hào với tên tuổi của những người đã góp phần làm rạng rỡ nền văn hóa Việt Nam như, nhà sử học Ngô Sĩ Liên, người huyện Chương Mỹ, đỗ tiến sỹ năm 1442, là một trong những soạn  giả của cuốn Đại việt sử kí toàn thư. Nhà toán học Lương Thế Vinh, người Nam Định, đỗ Tiến sỹ của khoa thi năm 1463 là tác giả của cuốn Đại thành toán pháp. Nhà Bác học Lê Quý Đôn, người huyện Diên Hà-tỉnh Thái Bình, đậu Bảng nhãn năm 1752, là tác giả của nhiều tác phẩm, như: Đại việt thông sử, Kiến văn tiểu lục, Phủ biên tạp lục, Vân đài loại ngữ…bao gồm các mặt chính trị, triết học, quân sự, kinh tế, xã hội, lịch sử, thơ ca… Nhà chính trị ngoại giao Ngô Thì Nhậm, đỗ tiến sỹ khoa thi năm 1775, có công giúp vua Quang Trung – Nguyễn Huệ chiến thắng quân Thanh trong trận Ngọc Hồi – Đống Đa lừng danh trong lịch sử, …

Cũng từ thông tin trên các tấm bia Văn Miếu này còn cho ta thấy tinh thần hiếu học, hiếu nghĩa, tôn sư trọng đạo, truyền thống học tập của các gia đình, dòng họ, địa phương…Có những gia đình, cha con, anh em cùng đỗ Tiến sĩ, như cha con tiến sĩ Nguyễn Quý Ngọc và Nguyễn Quý Ban (hai cha con người Thanh Trì, cùng đỗ đệ Tam, cha đỗ khoa thi năm 1748, con đỗ khoa thi năm 1778); Trần Huy Tích và Trần Văn Vi; Ngô Thì Nhậm và Ngô Thì Sĩ … 82 tấm bia Tiến Sĩ nơi đây còn giúp chúng ta thống kê và xác định những dòng họ, địa phương có truyền thống khoa bảng, như vùng Kinh Bắc hay ở xã Mộ trạch, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương nổi tiếng khoa bảng, dòng họ Ngô ở Bắc Giang, hay dòng họ Phạm ở Đông Ngạc – Từ Liêm cũng rất nổi tiếng khoa bảng.

Tấm bia cổ nhất nơi đây được dựng năm 1484 về khoa thi năm 1442, nội dung bài văn bia do Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung soạn, trong đó có đoạn: Hiền tài là nguyên khí Quốc Gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước kém và suy, cho nên các thánh Đế minh vương không ai không chăm lo xây dựng nhân tài, vun trồng nguyên khí. Đây được coi như tuyên ngôn về giáo dục không những xưa kia, mà luôn đúng trong mọi thời đại, nhất là ngày nay khi xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước luôn cần trí tuệ, khoa học kỹ thuật. Và cũng trên tấm bia này, có khắc tên của Trạng nguyên Nguyễn Trực, người làng Bối Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Ông từng làm Tế Tửu Quốc Tử Giám, là văn thần được vua Lê Thánh Tông rất coi trọng.

Bằng những giá trị đặc sắc và độc đâó đó, 82  Bia Tiến Sỹ Tại Văn Miếu – QTG Hà Nội được UNESCO công nhận là Di Sản Tư Liệu Thế Giới toàn cầu và năm 2012 di tích VM – QTG vinh dự được Thủ Tướng Chính Phủ công nhận là Di Tích lịch sử đặc biệt cấp Quốc Gia. Năm 2015, hệ thống bia tiến sĩ đã được Thủ tướng chính phủ ký quyết định công nhận là bảo vật quốc gia.

– Cửa Đại Thành (Đại Thành môn): Gian chính giữa phía trên treo bức hoành phi đề ba chữ “Đại Thành Môn”, bên phải có hàng chữ nhỏ đề: “Lý Thánh Tông Thần vũ nhị niên Canh Tuất Thu Bát nguyệt phụng kiến” (Nghĩa là: Tháng tám mùa thu năm Canh tuất, niên hiệu Thần vũ thứ hai đời Lý Thánh Tông (1070) vâng sắc dựng); bên trái ghi: “Đồng Khánh tam niên Mậu tý trọng đông đại tu” (Tu sửa lại vào tháng 11 năm Mậu tý niên hiệu Đồng Khánh 3 (1888). Bức hoành này một lần nữa khẳng định Văn Miếu được xây dựng vào năm 1070.

Đại Thành được lấy từ câu nói của Mạnh Tử khi đánh giá về Khổng Tử. Ông nói: “Khổng tử là Tập Đại thành”, nghĩa là: Khổng Tử là người thành đạt đã tập hợp được tất cả học vấn, đức tốt của các bậc tiên thánh, tiên hiền.

Hai bên cổng Đại thành có 2 cổng nhỏ là Kim Thanh và Ngọc Chấn. Kim Thanh là tiếng vang của vàng còn Ngọc Chấn là tiếng vang của ngọc.

Đại bái: Quan cổng Đại Thành là đến khu sân nhà Đại Bái. Xưa kia, trước ngày thi các học trò và giám sinh thường tề tựu về đây một lòng thành kính thắp hương lên các vị tiên thánh, tiên hiền cầu nguyện sức khỏe và mong gặp may mắn trong các kỳ thi. Tiếp nối truyền thống đó, ngày nay rất nhiều các trường của thủ đô Hà nội và trong cả nước về đây làm lễ dâng hương và khuyến học. Hết sân là tòa Bái đường gồm 9 gian với 40 cột trụ chống mái, lợp ngói mũi hài, mang phong cách kiến trúc thời hậu Lê, đầu Nguyễn. Trên nóc đắp nổi hai con rồng chầu mặt nguyệt, phía dưới là những bức phù điêu gỗ thời Lê khắc nổi hình rồng mây đao rất đẹp. Xưa kia tại tòa Bái đường nay, cứ một năm hai lần vào mùa xuân và mùa thu, vua và các quan đại thần đến đây tế lễ Khổng Tử và các vị tiên thánh, tiên nho. Do vậy tại đây đặt 1 hương án rất đẹp làm bằng gỗ sơn son thếp vàng, phía trên hương án là bức hoành phi “Vạn thế sư biểu”, nghĩa là Người thầy tiêu biểu của muôn đời. Đây là lời phong tặng của vua Khang Hy nhà Thanh khi đi thăm Khổng miếu Khúc phụ ở tỉnh Sơn Đông-Trung Quốc đã đề cao Khổng Tử là người thầy của muôn đời. Bức hoành phi này được làm trong đợt tu sửa Văn Miếu vào năm 1888. Xung quanh còn có các bức hoành phi, câu đối ca ngơi đạo Nho, ca ngợi trước tác của khổng tử như: Đạo quán cổ kim (Đạo nho đứng đầu xưa nay), Đức tham thiên địa(Đức lan tỏa khắp trời đất). Hay như bức: Cổ kim nhật nguyệt (ánh sáng muôn thuở) là bức hoành phi được làm vào năm 1768 cùng với chuông Bích Ung. Hai hiện vật quý này cùng với hai cây hoa đại ở phía trước sân là do Hiệu trưởng Quốc Tử Giám Xuân quận công Nguyễn Nghiễm, cha đẻ của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du cho làm và trồng.

Cũng tại đây có đôi hạc đồng rất đẹp. Đôi hạc này vốn được thờ ở đình làng Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng -Hà Nội. Trong tuần lễ vàng năm 1946 làng Quỳnh Lôi đã quyên góp đôi hạc này cho chính phủ. Bác Hồ nói: đây là đôi Hạc đồng đẹp nhất nước Nam, hãy đưa vào Văn Miếu cho du khách thập phương cùng chiêm ngưỡng.

Hình tượng hạc đứng trên lưng rùa biểu trưng cho sự hài hòa âm, dương giữa trời và đất.

Hai dãy Đông vu, Tây vu trước kia là nơi thờ Thất thập nhị hiền, là 72 học trò giỏi của khổng tử. Kiến trúc cũ bị phá hủy năm 1946, kiến trúc hiện nay được xây dựng lại vào năm 1954. Hiện nay hai dãy nhà này là nơi làm việc và phục vụ khách du lịch.

– Điện Đại thành: Điện nằm song song với toà Đại bái, được nối bằng một phương đình. Điện Đại Thành cũng gồm 9 gian, xây tường 3 mặt, phía trước có cửa bức bàn đóng kín 5 gian, 4 gian đầu hồi có cửa chắn song cố định. Gian chính giữa là tượng đức Khổng Tử mặt nhìn về hướng nam, theo quan niệm: Thánh nhân Nam diện nhi trị, tức là thánh nhân quay về hướng Nam để cai trị. Phía sau là khám thờ trên có ngai và bài vị đề: “Đại thành chí thánh tiên sư Khổng Tử thần vị”, hai bên là Phục thánh Nhan Hồi, Tông thánh Tăng Tử, Thuật thánh Tử Tư, và Á thánh Mạnh Tử.

Cũng trong điện đại thành này, ở hai bên đầu hồi còn thờ  10 bài vị bằng đá hay còn gọi là Thập Triết (Mười học trò giỏi nhất của khổng Tử)

Quốc Tử Giám:

Nằm sau khu Văn Miếu là khu Quốc Tử Giám. Toàn bộ khu vực này trải rộng trên diện tích 1530m2, gồm nhà Tiền đường, Hậu đường, Tả vu, Hữu vu, nhà chuông, nhà trống hai bên. Đây là nơi xưa kia dựng trường Quốc Tử Giám, trường đại học cao cấp đầu tiên của Việt Nam, nơi đào tạo hàng ngàn nhân tài cho đất nước. Đến khi nhà Nguyễn lên ngôi, triều đình cho xây dựng Quốc Tử Giám ở Huế thì khu này trở thành học đường của phủ Hoài Đức, sau này Triều Nguyễn cho xây đền Khải Thánh để thờ cha mẹ của Khổng Tử. Đến năm 1946 khu vực này bị đốt phá hoàn toàn, chỉ còn lại con đường lát gạch chính giữa từ cổng Thái học dẫn đến nền điện Khải Thánh.

Toàn bộ khu Thái Học ngày nay được xây dựng lại năm 1999, là công trình chào mừng kỷ niệm 990 năm Thăng Long Hà Nội. Nhà Tiền Đường phía trước gồm 9 gian với 40 cột gỗ lim chống mái, hai đầu hồi xây gạch Bát Tràng. Hiện nay nhà Tiền Đường là nơi tổ chức các buổi lễ tuyên dương khen thưởng học sinh giỏi, giáo viên giỏi, các hội thảo khoa học, các buổi lễ quan trọng của Thành phố, của Nhà nước như: Khen thưởng các Thủ khoa tốt nghiệp Đại Học xuất sắc trên địa bàn thành phố, Lễ phong hàm Giáo sư, Phó Giáo sư và nhiều buổi lễ quan trọng khác…

Nhà Hậu đường với gian chính giữa tòa đặt tượng Quan Tư Nghiệp Quốc Tử Giam là thầy giáo Chu Văn An.

Thầy Chu Văn An sinh năm 1292, mất năm 1370, quê ở huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Chu Văn An đỗ Thái học sinh dưới triều Trần (tương đương với Tiến sỹ dưới triều Lê ) nhưng không ra làm quan mà về quê nhà mở trường dạy học. Học trò theo học rất đông, thầy đã đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước, trong số học trò của thầy có người làm quan đến chức Nhập nội hành khiển (tương đương với Tể Tướng) như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, nhưng khi đến  thăm thầy ở quê nhà vẫn giữ đạo học trò là quỳ dưới chân giường nghe thầy chỉ bảo. Kẻ nào làm quan sách nhiễu dân lành, hà hiếp dân chúng, khi đến thăm, ông đuổi ra không tiếp. Nổi tiếng với học vấn uyên thâm, đạo cao đức trọng, ông được vua Trần Minh Tông mời ra Thăng Long giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám, tức Hiệu Trưởng và trực tiếp dạy Thái tử Trần Vượng, sau này là Vua Trần Hiến Tông. Dưới thời vua Trần Dụ Tông, nhà vua không chăm lo triều chính, ham mê tửu sắc, để nhiều quan tham lộng hành, tình hình đất nước bê bối, ông đã viết bài Thất trảm sớ, xin vua chém bảy vị quan nịnh thần, nhưng vua không đủ can đảm nghe theo. Quá buồn, Chu Văn An đã từ quan về ở ẩn ở núi Phượng Hoàng thuộc Chí Linh – Hải Dương, chuyên tâm vào việc dạy học. Ông mất tại đó,  thọ 78 tuổi, được truy tặng tước là Văn Trinh Công, thụy Khang Tiết và được phối thờ tại Văn Miếu. Ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách có giá trị như Tứ Thư Thuyết Ước…Với công lao đóng góp trong sự nghiệp của mình, Chu Văn An được coi là Ông Tổ của nền nho học Việt Nam. Bức Tượng thờ ông được đặt trang trọng tại đây từ năm 2003, do làng đúc đồng nổi tiếng của Hà Nội là làng Ngũ Xã đúc.

Xung quanh gian phòng này, quý khách sẽ thấy các hiện vật trưng bày về lịch sử khoa cử việt nam như: Sa bàn mô phỏng theo kiến trúc thời Lê với mô hình bên ngoài là khu vực văn miếu, nơi thờ Khổng Tử, Tứ phối, các vị tiên thánh tiên hiền, khu bên trong chính là trường QTG.

Quốc Tử Giám Thăng Long được xây dựng vào năm 1076, dưới thời vua Lý Nhân Tông. Đây là trường Đại học đầu tiên của nước ta. Dưới thời Trần, Quốc Tử Giám có tên là Quốc Học Viện, thời Lê có tên là Thái Học Viện. Bên cạnh việc “rèn tập sĩ tử, gây dựng nhân tài”, Quốc Tử Giám còn có nhiệm vụ nữa là: Bảo cử các giám sinh của nhà trường với triều đình để bổ nhiệm làm quan. Xưa kia, các Nho sinh muốn được vào trường Quốc Tử Giám học phải là những người đỗ cử nhân kỳ thi Hương, qua một kỳ kiểm tra ở bộ Lễ nếu đạt thành tích tốt mới được nhận vào học để chuẩn bị thi Hội.

Trường Quốc Tử Giám xưa kia có nhà giảng đường, thư viện, khu tam xá cho học sinh ở, kho đồ tế khí và kho chứa bản gỗ khắc in sách. Khu tam xá gồm 6 dãy nhà, mỗi dãy 25 gian, mỗi gian giành cho 2 người. Như vậy tổng số giám sinh trọ học là 300 người.

Các giám sinh được chia làm ba hạng:

+ Thượng xá sinh học bổng 10 tiền 1 tháng.

+ Trung xá sinh học bổng 9 tiền 1 tháng

+ Hạ xá sinh 8 tiền một tháng.

Thời gian học tập tại Quốc Tử Giám là 3 năm. Nội quy của Quốc Tử Giám rất nghiêm. Các giám sinh, sinh đồ, nho sinh cứ đến ngày mùng 1, ngày rằm hàng tháng đều phải mặc áo mũ điểm mục, người nào rong chơi đường xá, thiếu điểm mục một lần thì phạt 140 tờ giấy trung chỉ, thiếu điểm mục 2 lần phạt 200 tờ giấy trung chỉ, thiếu điểm mục 3 lần thì kiểm xét tâu lên giao bộ hình xét hỏi, thiếu điểm mục 5 lần thì bắt sung quân. Giấy trung chỉ ngày xưa phải nhập từ Trung Quốc nên giá thành rất đắt, hình phạt này đánh thẳng vào túi tiền eo hẹp của nho sinh.

Trên tầng 2 là nơi đặt tượng thờ 3 vị vua, là những người có công xây dựng và phát triển Văn Miếu – Quốc Tử Giám gồm: Vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông và Lê Thánh Tông.

Hiện nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám là điểm du lịch văn hóa hấp dẫn du khách, có những đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển về mọi mặt của thủ đô cũng như của cả nước. Từ năm 1962, di tích đã được Bộ Văn hóa xếp hạng quốc gia và đến nay là Di tích Quốc gia đặc biệt, 82 tấm bia được Unessco vinh danh là di sản tư liệu thế giới. Di tích luôn được Thành phố đặc biệt quan tâm, tổ chức quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị. Năm 1988, Thành phố đã thành lập Trung tâm nghiên cứu văn hóa, khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám và giao nhiệm vụ quản lý di tích trực tiếp và toàn diện. Hiện nay, các hạng mục kiến trúc chính trong di tích đã được tu bổ, phục dựng để phục vụ nhu cầu bảo tồn, phát huy giá trị, khai thác du lịch của thủ đô cũng như của cả nước.

Nguồn: Sở du lịch Hà Nội

 

Gợi ý đặt khách sạn gần Văn Miếu – Quốc Tử giám cách đó tầm 15 phút đi bộ  như : Tomodachi House  hoặc Somerset Grand Hà Nội 

 

 

 

Bài viết liên quan

Dịch vụ vận chuyển thú cưng của Vietjet – Sky Pet – “ Thú cưng ơi, bay thôi”

Là một trong các Các dịch vụ Hỗ trợ đặc biệt của Vietjet Air, dịch vụ vận chuyển thú cưng (động vật cảnh) dành cho hành khách có nhu cầu đi du lịch cùng thú cưng (chó, mèo), cho phép bạn mang thú cưng lên khoang hành khách; mang đến...

Chi tiết
Vietjet Air hỗ trợ đặc biệt trẻ em với dịch vụ Sky Kids – “Trẻ tự tin, bay một mình”

Vietjet Air hỗ trợ đặc biệt trẻ em với dịch vụ Sky Kids – “Trẻ tự tin, bay một mình”, là một trong các Các dịch vụ Hỗ trợ đặc biệt của Vietjet Air Vietjet hân hạnh cung cấp dịch vụ đồng hành cùng trẻ từ 6 tuổi đến dưới...

Chi tiết
Các dịch vụ Hỗ trợ đặc biệt của Vietjet Air

Hãng hàng không Vietjet  được xếp hạng hàng không an toàn cao nhất thế giới mức 7*, với 120+ đường bay nội địa và quốc tế, 400+ chuyến bay mỗi ngày, 6000+ nhân viên thân thiện tận tình. Vietjet Air cung cấp hàng loạt các dịch vụ đặc biệt dành...

Chi tiết
Hướng dẫn ‘Cộng điểm bổ sung’ khi bay cùng Vietjet

Kết thân cùng Vietjet đã lâu, vi vu muôn nơi nhưng quên tích SkyPoint đổi thưởng? Chỉ cần chọn ‘Cộng điểm bổ sung’ trong ứng dụng SkyJoy, điểm SkyPoint tích được từ các chuyến đã bay từ 24/12/2022 sẽ được cộng vào tài khoản của bạn! Thao tác đơn giản,...

Chi tiết
Du lịch Đồi chè Long Cốc, Phú Thọ – khám phá vẻ đẹp miền trung du phía Bắc Việt Nam

Được xem là một điểm du lịch mới mẻ của tỉnh Phú Thọ, thiên nhiên ban tặng Long Cốc một trong những khu đồi chè đẹp nhất Việt Nam. Long Cốc với hàng trăm quả đồi lớn nhỏ có thổ nhưỡng cùng khí hậu ôn hòa tốt nhất cho cây...

Chi tiết
“Mùa vàng” Tây Bắc – Ruộng bậc thang Tây Bắc vào mùa lúa chín

Mỗi mùa trong năm, mảnh đất đại ngàn Tây Bắc đều khoác lên mình một vẻ đẹp rất riêng. Một trong những thời điểm Tây Bắc đẹp nhất là khi “mùa vàng” đến.  Khung cảnh này vừa hùng vĩ, lại vừa nên thơ vô cùng, đó là khi những thửa...

Chi tiết
Hướng Dẫn Đặt Vé Máy Bay Đến Phú Quốc, Việt Nam

Phú Quốc, hòn đảo xinh đẹp thuộc tỉnh Kiên Giang, Việt Nam, được mệnh danh là “đảo ngọc” nhờ vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt vời cùng bãi biển trong xanh và rừng nguyên sinh hoang sơ. Để đến đây, phương tiện thuận tiện và nhanh chóng nhất là máy bay....

Chi tiết
Hướng dẫn đặt vé máy bay đến Đà Lạt, Việt Nam

Gotolink sẽ bật mí cho các bạn cách đặt vé Máy Bay Đến Đà Lạt, Việt Nam Đà Lạt là điểm đến nổi tiếng tại Việt Nam, được mệnh danh là “thành phố ngàn hoa” với khí hậu mát mẻ quanh năm và khung cảnh thiên nhiên lãng mạn. Nếu...

Chi tiết
Mẹo đặt vé máy bay Tết 2025 (Tết Ất Tỵ) để tiết kiệm và tránh rủi ro

Tết Nguyên Đán là thời điểm cao điểm nhất trong năm khi nhu cầu đi lại tăng cao vé máy bay trở nên khan hiếm và không còn nhiều lựa chọn khung giờ, đặc biệt là từ các thành phố lớn về quê ăn Tết hoặc du lịch. Dưới đây...

Chi tiết
Danh sách sân bay dân dụng tại Việt Nam có khai thác của các hãng hàng không Việt Nam

Hiện tại, Việt Nam có tổng cộng 22 sân bay dân dụng đang hoạt động, bao gồm cả sân bay quốc tế và nội địa. Các sân bay này phục vụ cho các chuyến bay của các hãng hàng không trong nước như Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways, Vietravel...

Chi tiết
Hướng dẫn đặt vé máy bay từ TP. Hồ Chí Minh đến Thanh Hóa

Các hãng hàng không khai thác Vietnam Airlines: Phù hợp với dịch vụ tốt, hành lý miễn cước lớn. VietJet Air: Lựa chọn tiết kiệm, nhiều chuyến bay trong ngày. Bamboo Airways: Dịch vụ thân thiện, kết hợp giữa chi phí hợp lý và trải nghiệm tốt. Các bước đặt...

Chi tiết
Hướng dẫn đặt vé máy bay Hà Nội – Đà Nẵng

Lựa chọn hãng hàng không để đặt vé máy bay Các hãng hàng không khai thác chặng Hà Nội – Đà Nẵng: Vietnam Airlines: Phù hợp với khách cần dịch vụ cao cấp, nhiều hành lý ký gửi. VietJet Air và Bamboo Airways: Lựa chọn tiết kiệm với nhiều chương...

Chi tiết
Hướng dẫn đặt vé máy bay từ Hà Nội đi Sài Gòn

Việc đặt vé máy bay ngày càng trở nên thuận tiện nhờ các nền tảng trực tuyến và hệ thống hỗ trợ từ các hãng hàng không. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết giúp bạn đặt vé máy bay một cách nhanh chóng và dễ dàng từ Hà Nội...

Chi tiết
Những địa điểm Glamping và Camping gần Hà Nội

Glamping và Camping đều được thực hiện tại những địa điểm khá gần gũi với thiên nhiên – nơi người tham gia có cơ hội trở về với thiên nhiên cũng như cảm nhận sự tĩnh lặng trong một không gian xanh mát, phóng khoáng của núi rừng, biển cả,...

Chi tiết
Tìm hiểu về Glamping và Glamping ở Việt Nam hiện nay

Glamping – là từ ghép của glamorous và camping, mô tả một phong cách cắm trại với các tiện nghi cao cấp, lãng mạn giữa thiên nhiên. Trong một số trường hợp, Glamping có các dịch vụ kiểu khu nghỉ mát thường không liên quan đến cắm trại “truyền thống”....

Chi tiết
Huy chương Olympic mùa hè Paris 2024 với những giá trị đáng ghi nhớ.

Sau nhiều ngày thi đấu hấp dẫn, Olympic mùa hè Paris 2024 đã chính thức khép lại. Ba tuần trước khi tổng thống Pháp khánh thành làng Olympic, Ủy ban tổ chức Thế Vận Hội Paris đã công bố hình ảnh các huy chương Olympic mùa hè 2024. Điểm nhấn...

Chi tiết
Màu xanh Ai Cập – sắc lam chứa đựng bề dầy văn hóa và lịch sử của nhân loại

Xanh lam là tông màu hiếm có nhất trong tự nhiên và Màu xanh Ai Cập là sắc tố nhân tạo lâu đời nhất được biết đến. Vì sao màu xanh Ai Cập lại đặc biệt được ưa chuộng bởi tầng lớp thượng lưu và hoàng gia? Không chỉ đại...

Chi tiết
“Con đường lãng mạn nhất thế giới”, – Via dell’Amore, di sản thế giới ở Cinque Terre, Italia

Nằm ở Cinque Terre, Liguria, Italia, và được các tạp chí du lịch gọi bằng tên gọi “Con đường lãng mạn nhất thế giới“, Via dell’Amore trải dài bên vách đá cheo leo nhìn ra vùng biển Liguria, nối hai ngôi làng đẹp như tranh vẽ Riomaggiore và Manarola thuộc...

Chi tiết
Độc đáo Lễ vía Quan Công ở Hội An – một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Việt Nam

Lễ vía Quan Thánh Đế Quân diễn ra tại Quan Công Miếu, nhằm ngày 24/6 âm lịch hàng năm.  Lễ hội này, là một trong những hoạt động văn hóa quan trọng của địa phương. Di tích Quan Công miếu nằm tại số 24 đường Trần Phú, thành phố Hội An,...

Chi tiết
Top 10 hộ chiếu quyền lực nhất thế giới năm 2024 tính đến thời điểm hiện tại

Hộ chiếu Singapore vừa được vinh danh là loại giấy tờ thông hành quyền lực nhất thế giới trong bảng xếp hạng hàng quý về những hộ chiếu có ảnh hưởng quốc tế lớn nhất. Việt nam đứng thứ 88 và có thể di chuyển đến 55 quốc gia miễn...

Chi tiết
Hải Vân Quan mở cửa miễn phí từ tháng 8

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Sở Văn hóa Thể thao TP Đà Nẵng đã thống nhất mở cửa Hải Vân Quan, miễn phí cho du khách, từ ngày 1/8. Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế,...

Chi tiết
Hoa hồng cổ Sapa – vẻ đẹp khó cưỡng từ xứ Tây Bắc

Đến Sapa chắc hẳn bạn sẽ thấy bị hút hồn bởi những bông hoa hồng xinh đẹp đến thế. Đó là hoa hồng cổ Sapa. Ngắm những bông hồng cổ Sapa là một điều không nên bỏ lỡ khi bạn ghé thăm thị trấn sương mù đáng yêu này. Người...

Chi tiết
Hồ tảo hồng đẹp quyến rũ ở thành phố Bảo Lộc – Địa điểm bạn nên đến khi du lịch Lâm Đồng

Nằm tại phường B’lao, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Hồ tảo hồng cách trung tâm thành phố Bảo Lộc 20km về hướng thác Dambri, hồ tảo hồng kề ngay bên đồi chè Tâm Châu nổi tiếng. Hồ tảo hồng kề ngay bên đồi chè Tâm Châu nổi tiếng...

Chi tiết
Bạn nên biết: Các tuyến xe buýt từ Hà Nội đến sân bay Nội Bài và ngược lại

Có nhiều chuyến xe buýt từ trung tâm Hà Nội tới sân bay Nội Bài và ngược lại. Thời gian xe hoạt động thường từ 5h00 tới 23h hàng ngày. Thời gian trung bình đi lại từ trung tâm vào sân bay là 60 phút, giá vé: từ 7.000VND đến...

Chi tiết